Một lần nữa, mùa tốt nghiệp trở lại, đưa những ý niệm, khát khao và tuyên ngôn từ thế hệ sinh viên năng động của Ngành thiết kế Thời Trang tại trường Đại học Văn Lang đến gần hơn với công chúng. Những “giấc mơ lớn” nay được hiện thực hóa, hòa mình vào dòng chảy của thời trang Việt.
Mỗi năm, bộ sưu tập tốt nghiệp của sinh viên ngành Thiết kế Thời trang tại Đại học Văn Lang luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý từ công chúng yêu thời trang. Không chỉ đánh dấu cột mốc khởi đầu cho hành trình nghề nghiệp phía trước, đây còn là không gian nơi những ý tưởng nghệ thuật, kỹ năng chuyên môn và tuyên ngôn cá nhân được kết tinh qua tháng ngày học tập, rèn luyện đầy đam mê và nỗ lực.
Ngay từ khi những hình ảnh đầu tiên của buổi trình diễn, hậu trường và các thiết kế được chia sẻ, làn sóng bàn luận và đánh giá đã nhanh chóng lan tỏa – cho thấy sức sống mãnh liệt từ tinh thần sáng tạo của thế hệ nhà thiết kế trẻ. Cùng Style Republik nhìn lại một số bộ sưu tập ấn tượng trong mùa tốt nghiệp K27TT năm nay.

“i-F” - Ntk Từ Quốc Thắng
i-F đến từ Quốc Thắng, một Ntk trẻ với ngôn ngữ thiết kế mang tính thể nghiệm và yếu tố vị lai. Các sáng tạo trước được chia sẻ trên mạng xã hội có thể gói gọn: “Đẹp, độc, đỉnh”. Tiếp nối tinh thần sáng tạo rất riêng biệt và dám thử, bộ sưu tập tốt nghiệp lần này là cuộc hành trình khám phá, khai mở mối liên hệ giữa thời trang và nội thất. Hai lĩnh vực dường như khá khác biệt nhưng theo NTK, chúng chia sẻ ngôn ngữ chung về hình thức, chức năng và trải nghiệm không gian.
Quần áo dường như cũng không chỉ là quần áo, đồ nội thất chưa chắc là đồ nội thất.
Cái bàn có thể đeo lên người trong khi chiếc quần lại ngồi như một cái ghế. Tất cả những mô tả tưởng chừng “điên rồ” đó là biểu trưng cho “sự tái định nghĩa ranh giới giữa cơ thể và không gian, giữa vật thể và cảm xúc, giữa cái để mặc và cái để hiện diện.” Với nguồn cảm hứng đến từ phong cách Memphis với hình học cực đoan, màu sắc đối lập (chia sẻ trong bảng giới thiệu của Ntk),...i-F là bảng chuyển đổi liền mạch, giao thoa hài hòa giữa hai khái niệm “công năng” và “biểu đạt cảm xúc” được thể hiện qua 8 thiết kế trong bộ sưu tập.




“Princess Scout” - Ntk Trần Thị Tuyết Nhi
Bắt đầu với một ý tưởng giả định: “Điều gì sẽ xảy ra nếu giới thượng lưu giàu có thời Victoria tham gia phong trào Hướng đạo?”, Princess Scout mở ra một thế giới nơi các khái niệm tưởng như đối lập – vẻ hào nhoáng, cầu kỳ, lộng lẫy và tinh thần sinh tồn mạnh mẽ của phong trào Hướng đạo – được thêu dệt khéo léo trong từng đường cắt may. Ở đó, chúng ta sẽ bắt gặp những chiếc đầm cầu kỳ, phần áo độn vai, tay phồng hay những chi tiết nơ cùng các tông màu trung tính gồm trắng, đen, nâu, xám rất thanh lịch gợi nhớ đến nàng tiểu thư, công chúa phía sau những đền đài cung điện đã lùi sâu vào nhiều thế kỷ.
Thế nhưng, thay vì phần tùng váy bồng bềnh, to lớn thường thấy thì những chiếc lều, chiếc ba lô xuất hiện khiến người xem vô cùng bất ngờ. NTK đã lựa chọn khai thác cấu trúc từ chiếc lều và sử dụng kỹ thuật thêu vi tính để thể hiện những kỹ năng sinh tồn cơ bản của hướng đạo sinh như mã Morse hay bản đồ. Bộ sưu tập không chỉ là sự giao thoa phong cách mà còn là cuộc đàm thoại giữa mộng mơ và thực tế cũng như đề cao kỹ năng sinh tồn.





“Mayfly” - Ntk Đinh Diệu Anh
Mayfly - bộ sưu tập tốt nghiệp của Đinh Diệu Anh lấy cảm hứng từ loài Thiêu thân - hiện thân của cái đẹp mong manh và mãnh liệt đến ám ảnh cũng như truyền tải “niềm đam mê dành cho thời trang không chỉ là nghệ thuật hay cái đẹp đơn thuần mà còn là ngọn lửa thôi thúc tự đốt cháy mình dành cho điều này.” Mayfly tái hiện khoảnh khắc sinh tồn đẹp đẽ: khi cơ thể chuyển động, khi ánh sáng chạm vào từng lớp chất liệu.
Từ các chất liệu mang lại hiệu ứng trong suốt hay lông vũ như mô tả thứ gì đó vừa tan ra, 5 thiết kế mang lại cảm quan về một cái đẹp vừa nhẹ bẫng như đôi cánh trong suốt, vừa sắc bén, cuồng nhiệt như khoảnh khắc loài thiêu thân lao vào nguồn sáng.
Mayfly là lời mời gọi từ một vẻ đẹp tưởng chừng như mong manh nhưng khi thực sự bước vào, ta sẽ lạc lối bởi cái ám ảnh, cái rực rỡ mãnh liệt trong đó.





“THE MAIDEN ERA” - Ntk Nguyễn Trần Phúc An
“Give a fashion salute to the navy in this new engaging sailor dress” - đây là một câu quảng cáo từ một nhà may có tên Marian Martin Pattern trên một tờ báo xuất bản từ năm 1940. Theo NTK, chính đây là sự khởi nguồn thôi thúc bản thân tìm hiểu về lịch sử của ngành hàng hải và những yếu tố từ lĩnh vực sôi động này đã ảnh hưởng đến ngành thời trang trong hàng trăm năm qua.
“Quá trình nghiên cứu lịch sử thời trang đưa tôi về đầu thế kỉ XX, chứng kiến sự ra đời đầy tham vọng và kết thúc thảm khốc của con tàu RMS Titanic. Sự chuyển biến trong hình dạng và cấu trúc của con tàu cùng với những nét đặc trưng của phong cách thời trang hàng hải thời kỳ Belle Époque chính là những chất liệu đầu tiên hình thành nên bộ sưu tập này. Cấu trúc trang phục được phát triển dựa trên việc vận dụng phương pháp collage art và tinh thần giải cấu trúc tập trung vào ba yếu tố: tái sắp xếp (re-assembled), không hoàn thiện (unfinished) và phân huỷ (decomposing), thể hiện cấu trúc, hình dạng của con tàu từ lúc đang đóng đến khi hạ thuỷ, đứt gãy và nằm mãi dưới đáy đại dương” - Phúc An chia sẻ.
Ngoài ra, các phụ kiện đi kèm với nguồn cảm hứng từ những hình ảnh gắn liền với con tàu như mái vòm, mỏ neo,...đậm tinh thần hàng hải cũng là điểm nhấn đáng chú ý.





“Tiên Nữ cưỡi Rồng” - Ntk Huỳnh Nguyễn Kiến Thức
Lựa chọn khám phá, diễn giải các yếu tố truyền thống Việt Nam, cụ thể từ hình tượng chạm khắc dân gian Bắc Bộ thế kỷ XVI–XVIII, bộ sưu tập mở ra cuộc đối thoại thiết yếu giữa “ký ức văn hóa và ngôn ngữ thời trang đương thời”.
Các thiết kế trong BST là tổ hợp đa dạng: áo khoác, áo phông với họa tiết tiên nữ cưỡi rồng, những phom dáng gợi nhớ trang phục dạ hội nay được kết hợp phụ kiện mũ lưỡi trai, khóa kéo đem lại tinh thần thể thao, đường phố.
“Hình ảnh tiên nữ cưỡi trên thân rồng – biểu tượng giao hòa giữa tính nữ và quyền lực nam – được tái hiện như một ẩn dụ về nữ quyền và sự bình đẳng giới trong văn hóa Việt” - NTK chia sẻ.




