Khi túi xách xa xỉ mất dần sức hấp dẫn đầu tư, trang sức đang trở lại như khoản chi tiêu thông minh
Từ lâu, túi xách đã vượt qua chức năng chứa đựng để trở thành thước đo của sự thành đạt. Nhưng giờ đây, trang sức đang dần thay thế vị trí ấy, trở thành phụ kiện thể hiện quyền lực và và tiềm năng sinh lời. Vòng tay Cartier, mặt dây chuyền Alhambra của Van Cleef & Arpels, hay một cặp hoa tai vàng trơn, tất cả đều có thứ mà nhiều món thời trang sẽ mất dần theo thời gian: sự gắn bó.
Chiếc vòng cổ từng được mẹ đeo khi còn trẻ, đặt lại trong ngăn tủ mùi gỗ để con gái tìm thấy sau này, là hình ảnh quen thuộc với những người hiểu rằng sự xa xỉ đích thực không nằm ở giá tiền, mà ở cảm xúc. Khi món trang sức không chỉ mang giá trị trường tồn, mà còn giữ ký ức.
Trong bối cảnh giá túi xách tăng vọt rồi biến động theo xu hướng, trang sức vẫn giữ mức tăng ổn định qua nhiều thế hệ. Người tiêu dùng đang bắt đầu nhìn lại: đâu mới thực sự là khoản đầu tư bền vững, không chỉ về tài chính, mà cả về di sản cá nhân?
Trang sức giữ được nhịp giá ổn định giữa thị trường đang leo thang
Nếu ngành túi xách xa xỉ trong thập kỷ qua là bài toán về tốc độ leo thang, thì ngành trang sức lại là câu chuyện của sự ổn định. Kể từ năm 2010, các thương hiệu thời trang lớn như Chanel, Dior và Louis Vuitton đã liên tục điều chỉnh chiến lược giá như công cụ định vị thương hiệu và phân tầng khách hàng.

Theo The Wall Street Journal, chỉ riêng mẫu Chanel Classic Flap đã tăng hơn 86% từ năm 2019 đến 2024, trong khi Dior tăng 51% và Louis Vuitton tăng 38% cùng kỳ. Chiến lược tăng giá này không đi kèm cải thiện về chất lượng hay trải nghiệm, khiến người tiêu dùng cảm thấy “bị đẩy ra” khỏi cuộc chơi thay vì được “mời gọi”. Dữ liệu từ Nielsen IQ cũng chỉ ra rằng ngưỡng €3.000-€5.000 đang trở thành rào cản tâm lý với người tiêu dùng thế hệ Z và Millennials - những người ngày càng đặt câu hỏi về giá trị thực sự và độ bền dài hạn của món đồ họ đầu tư.
Đọc thêm: 7 sai lầm trong chiến lược định giá mà các thương hiệu thời trang cần tránh

Trong bối cảnh đó, ngành trang sức chọn con đường thận trọng hơn. Theo Financial Times, chủ tịch Richemont Johann Rupert nhấn mạnh việc “không thực hiện tăng giá đột ngột” là ưu tiên chiến lược, nhằm bảo vệ niềm tin người tiêu dùng và duy trì sức hấp dẫn dài hạn. Các thương hiệu trực thuộc tập đoàn này chủ trương điều chỉnh nhẹ, trung bình 2-6% mỗi năm.

Theo báo cáo quý I/2025 từ Bain & Company, nhóm khách hàng “aspirational” - những người sẵn sàng chi tiêu để sở hữu trải nghiệm xa xỉ đầu tiên đang ưu tiên các sản phẩm có thiết kế biểu tượng, ít biến động giá và giữ giá tốt trong dài hạn. Điều này đặc biệt rõ rệt ở nhóm người tiêu dùng trẻ. Với mức giá “tâm lý”, các sản phẩm như vòng Love, dây chuyền Alhambra hay nhẫn Juste un Clou đóng vai trò như cánh cửa đầu tiên dẫn lối vào thế giới xa xỉ. Business of Fashion gọi đây là “món quà lý tưởng” để thế hệ trẻ bước vào thương hiệu.
Đọc thêm: Global Updates: Doanh số của Richemont tăng 10%; Adidas phục hồi mạnh mẽ
Trang sức giữ lại cảm xúc lẫn giá trị sở hữu
Trang sức được xây dựng để trường tồn. Theo Bain & Company (2023), có đến 60% người mua trang sức cao cấp lựa chọn sản phẩm vì lý do gắn liền với đời sống cá nhân. Những thiết kế như Cartier Love, Tiffany T hay VCA Alhambra gần như không thay đổi suốt hàng thập kỷ - minh chứng cho giá trị biểu tượng vượt thời gian. The RealReal cũng xác nhận trang sức vàng 18k đính kim cương từ Tiffany & Co. hay Chopard thường duy trì 85% giá trị nếu còn giấy tờ gốc.


Trang sức cao cấp sở hữu chuỗi giá trị rõ ràng trong tiêu chuẩn định giá. Một chiếc nhẫn Cartier hay dây chuyền Van Cleef & Arpels có thể bán lại với giá trị thậm chí tăng lên theo thời gian – nếu được bảo quản tốt và có nguồn gốc rõ ràng. Theo thống kê của Knight Frank (2024), giá trị đấu giá của trang sức cao cấp đã tăng trung bình 5% mỗi năm trong thập kỷ qua, bất chấp biến động kinh tế toàn cầu.
Biểu tượng mới của bản sắc cá nhân
Trong thời đại mà gu thẩm mỹ trở nên phân mảnh và cá nhân hóa là biểu tượng tối thượng, người tiêu dùng ngày càng xa rời những món đồ được mặc định gắn liền với “xu hướng” và tìm đến những món đồ có khả năng hiện diện bền bỉ mà không bị áp đặt tính mùa vụ.
Những thương hiệu như Cartier, Bvlgari hay Pomellato duy trì biểu tượng của mình qua hàng thập kỷ, bằng việc giữ vững tinh thần thiết kế. Dòng Serpenti của Bvlgari xuất hiện trong phiên bản mini với mức giá từ 1.000 USD, không làm mất đi vẻ uyển chuyển của biểu tượng gốc. Cartier Love bracelet hay Pomellato Nudo vẫn giữ hình thái quen thuộc, nhưng được “dịch” sang ngôn ngữ của thế hệ mới: nhẹ hơn, linh hoạt hơn, giàu lựa chọn cá nhân hóa hơn.
Nghiên cứu trên Journal of Business Research đã chỉ ra rằng dịch vụ thiết kế trang sức theo yêu cầu – từ khắc tên lên nhẫn đến các chế tác theo đặt hàng riêng giúp tăng cảm giác "tính xác thực bản thân" (self‑authenticity) cho người dùng, từ đó gia tăng hạnh phúc và lòng trung thành với thương hiệu. Ngoài ra, Novatia Consulting cũng cho thấy 58% khách hàng mua trang sức cao cấp ưu tiên chọn thương hiệu có chính sách tùy chỉnh theo câu chuyện cá nhân. Kết quả của khảo sát cũng cho thấy 72% người mua thừa nhận rằng một câu chuyện thương hiệu giàu cảm xúc và có chiều sâu khiến họ có động cơ kết nối lâu dài hơn.


Chính khả năng kể chuyện của bản thân bằng việc chọn đá, khắc tên, thiết kế đặt riêng làm cho mỗi món trang sức không chỉ là vật đeo mà còn là dấu ấn cá nhân. Một chiếc nhẫn nhỏ, đôi khi chẳng cần logo, có thể “gắn” mãi vào đời sống của một con người – một sự xa xỉ ẩn mình mà thế hệ mới đang tìm kiếm.
Tham khảo: Business of Fashion, Vogue Business, Bain & Company, Nielsen IQ, VnEconomy