Sau hai năm vắng bóng, BLACKPINK tái hợp trong kỷ nguyên mới với JUMP – MV đậm chất thể nghiệm, nơi âm nhạc và thời trang cùng thách thức mọi quy chuẩn. Trong bối cảnh “anti-fashion” được đẩy lên đến giới hạn, các thiết kế xuất hiện như một nốt nhấn bất ngờ, góp phần hoàn thiện tuyên ngôn thị giác của nhóm.
Một thành phố không tên. Mặt đường lấm bụi, gió rít qua những cao ốc vỡ vụn. Ánh nắng xiên pha chiếu qua làn khói xám. Và giữa những hình ảnh đó BLACKPINK bước ra từ bức graffiti vẽ trên mảng tường nham nhở gạch vữa. JUMP bắt đầu từ một cú máy dolly mượt xuyên qua cảnh quan hậu tận thế. Không còn ánh sáng lạnh của cyber-futurism, không còn những mảng màu neon rực rỡ trong Pink Venom hay DDU-DU DDU-DU. Ở đây, ánh sáng bị bóp nghẹt thành từng vệt tù túng, đứt quãng. Trong không gian ấy, thời trang không còn làm nhiệm vụ thu hút ánh nhìn, mà trở thành lớp vỏ để che chắn, bảo vệ, định vị các cá thể trong mịt mờ.

Bốn nhân vật hiện lên như những thực thể sống bước ra từ vùng tàn tích, mang theo vết tích pha trộn giữa couture, thể thao, quân sự và thế giới điện ảnh giả lập. Nhìn họ, như thể đang xem lại một bộ phim hành động bị bỏ quên: quay bằng máy film cũ, lồng tiếng ngắt quãng với trang phục được ráp từ những mảnh ký ức thời trang đầu thế kỷ 21.
Đôi boots là dấu hiệu đầu tiên
BLACKPINK không bước ra từ ánh đèn sân khấu, họ tiến vào từ một đêm dài vừa kết thúc. Màn mở đầu của MV JUMP là bụi, gạch vụn, những mảng sáng loang lổ như hậu cảnh của thành phố sau biến cố. Nhưng điều đầu tiên chạm vào khung hình không phải là khuôn mặt, mà là những bước chân. Chính xác hơn, là những đôi boots cao cổ trầy xước, phủ bụi, nặng nề như thiết bị sinh tồn.

Không phải gót nhọn thanh thoát. Không phải sneakers sạch sẽ. Những đôi boots ấy không dành để tô điểm, chúng mang chức năng chống đỡ. Như manh mối đầu tiên cho thấy: đây không còn là sân khấu pop, mà là địa hình sống còn.
Lisa xuất hiện đầu tiên. Combat boots cao tới gối, dây rút lòng thòng như vết xích vừa tháo khỏi mắt cá chân. Váy xếp lớp xoáy quanh chân mỗi bước đi, cuốn theo dáng người đang xuôi về phía trước. Ánh nhìn Lisa sắc lạnh, thách thức như thể điều duy nhất còn lại là tiếp tục tiến lên. Jennie bước chậm, boots bất đối xứng siết gọn cổ chân, đi cùng corset như áo giáp. Cô khép mình trong im lặng, nhưng từng bước lại nặng, như thể đang kéo theo phần tự vệ không thể trút bỏ.


Jisoo như vừa bước khỏi đám cháy. Boots bất cân xứng, lấm lem tro và vệt sắt gỉ. Ánh mắt cô không tìm người dẫn đường, chỉ nhìn thẳng, tin vào đôi chân mình. Rosé giữ nhịp riêng. Bước chậm, kéo theo vạt áo cut-out lởm chởm. Boots hở gối không giấu nổi những vết xước. Cô không dừng lại, chỉ nghiêng mặt, ngẩng lên và đi qua cơn hoảng loạn.


Đây là thời trang sau khái niệm thời trang. Một dạng survival dressing - quần áo như giáp trụ, như vỏ bọc cuối cùng cho những ai vừa bước ra khỏi tro tàn.
“Survival dressing” và những bóng ma hậu tận thế
MV mở đầu bằng boots. Rất nhiều boots. Dính bụi, xước da. Không bóng bẩy như catwalk, không được lau sạch như trên các biển quảng cáo. Chúng hiện lên như vừa được kéo khỏi đống đổ nát. Các cô gái như khoác tạm bất cứ thứ gì còn sót lại sau đêm sụp đổ. Như thể sáng hôm đó là ngày đầu tiên sau tận thế và họ buộc phải trang bị để sống sót.

Nếu trước đây, mỗi MV của BLACKPINK là một vở diễn thị giác, biên đạo bằng thời trang cao cấp. Từng outfit kể một chương truyện, từng thành viên là một concept, được chăm chút đến từng đường cắt. Nhưng với JUMP, họ bước ra khỏi mọi ranh giới đó.
Không còn motif “narrative styling”. Không còn khuôn hình gọn ghẽ hay biểu tượng tôn vinh từng người. Ở JUMP, chủ đề là hỗn loạn. Thời trang trong JUMP không tô điểm mà phản kháng - một dạng anti-fashion thúc đẩy bởi bản năng sinh tồn.
“Survival dressing” là gì?
Khái niệm survival dressing không chỉ là phong cách thời trang mô phỏng chiến đấu, mà là trạng thái bản năng được dệt nên từ lo âu tập thể. Thời trang từ lâu đã từng bước ghi lại dấu vết của những thời khắc chông chênh: từ vết rách sơ khai trên mảnh vải của những năm hậu chiến, đến áo khoác khổ lớn kiểu quân đội trong khủng hoảng kinh tế 1990s, rồi biến dị thành những thiết kế couture đậm sắc thái sinh tồn, nơi khái niệm sống sót và đẹp đẽ không còn tách biệt.

Rick Owens là người thổi hơi thở đầu tiên vào những thiết kế thời trang hậu tận thế. Những đôi boots nặng như xích xiềng, vạt áo dài chạm đất như bóng ma, cùng gam màu tối đục vẽ nên hình ảnh kẻ lang thang giữa thế giới hoang hóa - nơi bóng tối là đồng minh. Ở chiều khác, Craig Green bọc những cơ thể bằng dây thừng, vải dệt, đai chằng chịt quấn quanh, sẵn sàng mang theo tổ ấm trên lưng như những người di cư xuyên biên giới. Còn Marine Serre lại chọn sống sót bằng trí tuệ của kỷ nguyên biến đổi khí hậu: mặt nạ phòng độc, váy may từ rác thải tái chế, những mảnh trăng khuyết như dấu hiệu còn sót lại của nền văn minh.
Bóng dáng của ba nhà thiết kế ấy và cả kho di sản thời trang hậu chiến chính là nền tảng để BLACKPINK viết lại ngôn ngữ âm nhạc, bằng logic sinh tồn trong xã hội hỗn độn của thế kỷ 21. Giữa sàn diễn trơ trụi như bình nguyên sau tận thế, bốn cô gái hiện lên như nhân vật bước ra từ Mad Max: Fury Road hay The Hunger Games: không còn váy dạ hội, chỉ còn áo choàng bụi cháy, găng tay bọc kim loại, boots cao quá gối. Ở đó, thời trang không còn là vỏ bọc. Nó là ngôn ngữ báo động, là vũ khí và là giấc mơ cuối cùng còn sót lại sau ngày tận thế.
Khi thời trang Việt góp mặt trong khải huyền BLACKPINK
Ngay lập tức, chúng ta có thể nhận ra dấu ấn của nhà thiết kế gốc Việt Michael Ngo - người từng gây chú ý với bộ cánh LED phát sáng tại Coachella 2023. Trong JUMP, anh chơi với ánh sáng và hình khối: áo khoác ôm sát, váy mini dựng phom, dây dẫn ánh sáng đan qua cơ thể, phát quang mỗi khi máy quay lướt qua. Hệ thống LED được xử lý bằng cả kỹ xảo lẫn ánh sáng thực, đẩy hình ảnh ra khỏi khuôn mẫu MV ca nhạc thông thường, tiệm cận điện ảnh. Hoàn thiện tạo hình là găng tay phát sáng và cầu vai phóng đại của Wooney Kim, biến “BLACK” và “PINK” thành hai cực sáng - tối hút nhau.
Trong các phân cảnh chuyển tiếp, giữa những cú zoom giật và background thay đổi liên tục, Lisa và Jisoo xuất hiện trong thiết kế của thương hiệu Việt FANCì CLUB - cái tên từng nhiều lần đồng hành cùng nhóm trong tour Born Pink. Lisa chọn bốt đế xuồng đặc trưng, phối cùng toàn bộ outfit đen. Jisoo mặc trắng, cổ cao, đi cùng bốt đồng bộ - đối lập giữa nữ tính và quyền lực.

Mỗi món đồ đều mang ý chí sinh tồn cargo pants nhiều túi để mang theo vật dụng sinh tồn. Găng tay, boots trở thành giáp trụ tạm bợ. Khăn trùm đầu, kính đen, mặt nạ không còn là phụ kiện, mà trở thành lớp chắn bảo vệ khỏi khói, ánh sáng, hoặc một hiện thực đang mục ruỗng.
Sự hỗn loạn thị giác trong JUMP không phải cẩu thả. Nó gỡ bỏ cấu trúc của mô hình thành công cũ: không còn MV phân vai rõ nét, ánh sáng mượt mà, concept đồng nhất, hay trung tâm được dựng lên để ngưỡng vọng. Ở đây, không ai là "đẹp nhất". Không còn "idol". Chỉ còn những người giữa cơn hỗn loạn.