Ngày 23/7, Meryl Streep xuất hiện trên phim trường The Devil Wears Prada 2 tại New York, đánh dấu sự trở lại của Miranda Priestly.
Sau những hình ảnh đầu tiên của Anne Hathaway trong The Devil Wears Prada 2 khiến mạng xã hội dậy sóng với vẻ ngoài thời thượng, giờ đây đến lượt nữ hoàng thật sự bước vào khung hình. Không ai khác, đó chính là Meryl Streep – người đã hóa thân thành Miranda Priestly, tổng biên tập băng giá và quyền lực của Runway, biểu tượng không thể thay thế trong vũ trụ điện ảnh thời trang.
Bà đã trở lại, mái tóc pixie bạch kim vẫn gọn gàng, ánh nhìn bí ẩn che giấu sau cặp kính và sự hiện diện không thể nhầm lẫn giữa phố đông Manhattan. Miranda Priestly, biểu tượng của quyền lực đang sải bước trong phần tiếp theo của câu chuyện từng định hình cả một thế hệ yêu thời trang.
Đọc thêm: "Andy Sachs 2025" tái xuất trong The Devil Wears Prada 2
Thời trang ngày trở lại của Miranda Priestly
Cảnh quay mở đầu hé lộ Miranda bước ra khỏi chiếc xe sang với khí chất bao trùm mọi khung hình. Chiếc trench coat màu beige không chỉ là món đồ kinh điển của tủ đồ thời trang, mà trong trường hợp này, là lớp giáp mềm mại của người phụ nữ từng quen với vị trí ra lệnh.
Ngày trước, Miranda Priestly xuất hiện cùng những chiếc áo khoác lông thú đồ sộ. Cảnh bà thản nhiên vứt chiếc áo nặng nề lên bàn Andy Sachs đã trở nên kinh điển, ghi dấu cách quyền lực vận hành trong thế giới cũ: khắt khe, áp đảo và phớt lờ lời giải thích.

Sau 20 năm, Miranda xuất hiện với trench coat màu beige nhẹ và mềm mại hơn. Sự thay đổi này phản ánh đúng tinh thần của thời trang nữ quyền hiện đại, nơi quyền lực không còn phải khoác lên những biểu tượng phô trương. Trench coat, vốn là biểu tượng lâu đời của Burberry, giờ trở thành đồng minh của những người phụ nữ hiểu rõ giá trị bản thân mà không cần ra oai.


Chiếc áo blouse cổ chữ V màu tím violet khiến người hâm mộ liên tưởng trực tiếp đến cảnh “cerulean monologue” huyền thoại khi Miranda giải thích cho Andy về sức mạnh của màu sắc và hệ sinh thái thời trang. Không còn là màu quyền lực truyền thống như đỏ hay đen, tím là sự chuyển hóa mềm mại hơn so với hình tượng “bà đầm thép” đã vốn quen thuộc, như thể Miranda đang chuẩn bị rẽ vào một chương khác trong phần 2.
Đọc thêm: The Devil Wears Prada 2: Hào quang báo in trước kỷ nguyên "ngón tay cái"
Một Miranda mới trong thời đại tạp chí giấy không còn là trung tâm
Meryl Streep không đóng lại Miranda, bà sống tiếp nhân vật ấy. Không còn cần đến ánh mắt nghiêm nghị hay những lời cắt khúc lạnh lùng, Miranda giờ đây hiện diện như hình ảnh được gọt đẽo hoàn hảo: yên tĩnh, tiết chế, nhưng chưa từng bị bỏ qua.

Ở thời đại mà quyền lực trong ngành xuất bản không còn nằm trọn trong tay các tổng biên tập, Miranda của phần hai là sự phản chiếu về thế hệ quyền lực đang rút lui về hậu trường. Hình ảnh của Miranda giờ đây là âm sắc của sự từng trải, là ngôn ngữ của những người đã không cần khẳng định điều gì nữa.
Đọc thêm: The Devil Wears Prada 2: Hào quang báo in trước kỷ nguyên "ngón tay cái"

Nếu như phần đầu tiên là lời tuyên ngôn về quyền lực của giới biên tập, thì phần hai với Miranda điềm tĩnh hơn có thể sẽ là phép thử của thời trang trong thời đại không còn ai thực sự nắm quyền kiểm soát. Khi mạng xã hội khiến “ai cũng có thể là biên tập viên”, thời trang không còn là tiếng nói từ trên cao, mà là chuỗi cộng hưởng lan tỏa theo nhịp điệu số.