Tại Palais de Tokyo – trung tâm nghệ thuật đương đại danh tiếng của Pháp, nhà thiết kế người Việt Phan Huy vừa trình làng bộ sưu tập mới lấy cảm hứng từ những biểu tượng thân thuộc của Việt Nam.
Lần thứ 3 có mặt tại trái tim thời trang thế giới, bộ sưu tập Haute Couture Thu Đông 2025 lần này đã đánh dấu bước ngoặt mới trên hành trình của Phan Huy và thương hiệu cá nhân. Bởi đây là lần đầu tiên những thiết kế duy mỹ của Phan Huy hiện diện trong lịch trình chính thức của Paris Haute Couture Week.
Từ thương hiệu thời trang Việt Nam độc lập, hành trình của Phan Huy đang dần tiệm cận những chuẩn mực khắt khe nhất của haute couture, bằng tinh thần rất riêng: tinh giản, mộc mạc, giàu chất thơ và thấm đẫm văn hoá Việt. Bằng ngôn ngữ thiết kế cao cấp, bộ sưu tập lần này tiếp tục khai thác các giá trị bản địa. Những hình ảnh như nón lá, bếp than, hay phom dáng áo dài không còn xuất hiện như chất liệu dân tộc bị “trưng dụng”, mà được tái hiện như những biểu tượng sống.
Đọc thêm: Phan Huy và Paris Fashion Week: Câu chuyện về sự tôn vinh văn hoá Việt
Không gian trình diễn: nơi chất mộc mạc gặp kiến trúc hiện đại
Phan Huy chọn Palais de Tokyo – địa điểm biểu tượng của nghệ thuật đương đại châu Âu, từng được Rick Owens, Balmain hay Gaurav Gupta chọn làm nơi trình diễn. Không gian rộng hơn 22.000 m² bê tông thô phô diễn sự thô mộc đậm tính kiến trúc, đủ sức đưa thông điệp thị giác lên cao trào là địa điểm hoàn hảo để phô bày toàn diện vẻ đẹp của BST và ý niệm của nhà thiết kế.
Palais de Tokyo với những khối trần cao, tường trơn lạnh, cửa kính lớn đón ánh sáng ban chiều... tạo nên đối lập thú vị với chất liệu mộc mạc của bộ sưu tập: như một cuộc đối thoại thầm lặng giữa làng quê Việt và đô thị châu Âu. Ở đó, nón lá, họa tiết thủ công, kết cấu gợi hình áo dài không chỉ xuất hiện mà thực sự được nâng tầm, chuyển thể vào bối cảnh đương đại bằng ngôn ngữ thời trang cao cấp.
Bức tranh đồng quê Việt giữa kinh đô thời trang thế giới
“Quê hương là chùm khế ngọt” – câu thơ nằm lòng từ thuở nhỏ, từng theo chân bao đứa trẻ Việt đến lớp, rồi lặng lẽ ở lại trong ký ức. Với Phan Huy, ký ức ấy không chỉ là hoài niệm, mà trở thành chất liệu tạo nên bộ sưu tập Haute Couture Thu Đông 2025.
Bộ sưu tập lần này của anh bắt đầu từ những xúc cảm riêng mà chung của nhiều người con đất Việt. Những tàu cau khô rụng trước sân, vết nứt chân chim trên nền đất sau mùa hạn, bóng mẹ thoáng qua bên bếp lửa, hay mùi rơm cháy nhè nhẹ trong nắng đầu hè. Những hình ảnh không rõ nét, nhưng thật như cách ta chợp mắt chốc lát, tỉnh dậy giữa trưa mà chẳng biết là mấy giờ, chỉ có nắng và tiếng người ngoài ngõ.
Ba mươi sáu thiết kế là ba mươi sáu lát cắt ký ức được Phan Huy chuyển thể thành hình khối, chất liệu, kỹ thuật và tinh thần thiết kế cao cấp.Từ ngôn ngữ tạo phom cho đến cách xử lý chất liệu, mọi biểu tượng quen thuộc trong đời sống nông thôn Việt Nam hiện hữu giữa không gian quốc tế như sự giao thoa văn hóa, tôn vinh tinh thần kế thừa và hội nhập.
Khi ký ức hiện hữu qua từng thiết kế
Nếu trong bộ sưu tập "Lost in the Cavern" năm 2024, Phan Huy từng khiến khán giả kinh ngạc với cách anh biến hang động Sơn Đoòng thành cảm hứng thị giác thì trong BST lần này, anh rời khỏi những cấu trúc hùng vĩ để đi về với thứ nhỏ bé, thân thuộc hơn. Nhưng chính trong sự giản dị ấy, couture của Phan Huy chạm đến điều sâu hơn - nơi vùng ký ức mà người Việt nào cũng từng đi qua, nhưng chưa từng được nói ra bằng thời trang.
Đọc thêm: Mơ miên viễn: Phỏng vấn NTK Phan Huy sau show diễn lãng mạn tại Paris
Trong hành trình ấy, kỹ thuật couture trở thành phương tiện để chuyển hóa. Những chi tiết chiếc nón lá, lưới đánh cá hay bếp than quen thuộc được giải cấu trúc thành khối, chất liệu và chuyển động. Những chiếc quạt giấy thoát khỏi cách trang trí rập khuôn, trở thành cấu trúc trung tâm định hình toàn bộ silhouette. Những chiếc quạt được tạo thành dạng hình nan quạt xòe ngang – mở rộng đường cong phần eo và khung xương chậu, khiến phần thân trên trở nên nổi bật giữa tổng hoà. Cấu trúc nan tạo hiệu ứng thị giác mạnh, kết hợp chất liệu vải có tính bán xuyên thấu, bung ra theo chuyển động gió, mang lại cảm giác uyển chuyển mà vẫn chắc chắn. Khi người mẫu di chuyển, lớp vải sheer có thêu tay kết hợp cùng ánh sáng sân khấu tạo ra hiệu ứng lấp lánh.
Ngôn ngữ couture của anh còn nằm ở cách phát triển kỹ thuật riêng. Lưới đàn hồi chuyển màu tạo hiệu ứng ánh sáng loang nhẹ theo chuyển động. Phom dáng được dựng bằng kỹ thuật xếp lớp 3D và xử lý khối như điêu khắc, gợi nhắc hình ảnh thân cây khô, đụn rơm, cánh diều. Anh còn đưa kỹ thuật đan lát lấy cảm hứng từ nghề làm giỏ, làm lồng đèn, đan lưới, tái hiện trên mặt vải với xử lý bề mặt công phu. Thêu tay và đính kết cũng là điểm nhấn quan trọng – pha lê, cườm, đá bán quý và chỉ ánh kim được dùng để mô phỏng ánh nắng, mặt đất, giọt sương.


Phan Huy không tái dựng tà áo truyền thống, mà chắt lọc tinh thần của áo dài và Nhật Bình qua kỹ thuật dựng phom suông thẳng, cấu trúc chia lớp và chi tiết gấp nếp bất đối xứng. Một số thiết kế sử dụng chất liệu trong suốt hoặc bán xuyên thấu – như chiffon, lưới tơ, organza tạo cảm giác nhẹ bẫng, khơi gợi chất mơ màng đầy nữ tính. Đường dựng phom không theo khuôn cứng mà đan chéo, ôm dọc thân người rồi xoắn nhẹ ở eo hoặc vai, tạo cảm giác động mà vẫn thanh thoát. Những chi tiết như tay trễ, tà dài phân lớp, nẹp thêu tay hoặc thắt lưng vắt chéo… là gợi ý tinh tế cho sự kế thừa văn hóa, không bị bó buộc bởi hình thức truyền thống.

Trên toàn bộ nền bảng màu được rút ra từ thiên nhiên với màu của đất nung, tro xám, ánh lửa, khói bếp, chất thơ của quê nhà hiện lên bằng kết cấu và ánh sáng. Từ mùi đất, sắc nắng, hình quạt đến dáng áo – tất cả được chưng cất thành couture. Và ở đó, bộ sưu tập không chỉ là thời trang, mà còn là một cách kể chuyện Việt bằng ngôn ngữ quốc tế.