Cường Đàm - nhà thiết kế thời trang Việt duy nhất được vinh danh trong danh sách Gen.T 2025 của Tatler Asia. Với tư duy thẩm mỹ đậm chất thể nghiệm, anh đã xây dựng nên hai thương hiệu thời trang C.DAM và CHATS by C.DAM kết nối giữa ý tưởng đương đại táo bạo và chiều sâu văn hóa bản địa.
Chính sự song hành giữa sáng tạo nghệ thuật và tầm nhìn kinh doanh bền bỉ trong suốt 10 năm đã đưa Cường Đàm trở thành cái tên được vinh danh trong danh sách Gen.T 2025 đầy thuyết phục. Đây là một trong những danh sách thường niên uy tín nhất khu vực, tôn vinh thế hệ lãnh đạo trẻ đang kiến tạo tương lai châu Á bằng ảnh hưởng tích cực và bền vững. Năm 2025 cũng là cột mốc kỷ niệm 10 năm hình thành bảng xếp hạng Gen.T và lần đầu tiên Việt Nam chính thức được ghi danh với nhà thiết kế duy nhất trong lĩnh vực thời trang là Cường Đàm.
Hành trình của anh bắt đầu từ năm 2013, khi cùng những người bạn thân thiết thành lập thương hiệu thời trang đầu tiên – CHATS, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội. Năm 2018, anh quyết định quay lại giảng đường, theo học ngành Thiết kế Thời trang tại Học viện Thiết kế và Thời trang London (Hà Nội), đánh dấu bước chuyển mình từ tư duy kiến trúc sang thời trang đậm chất khái niệm và phản tư.
Từ đó, anh phát triển hai thương hiệu: CHATS by C.DAM mang tinh thần ứng dụng và C.DAM - nơi thời trang trở thành phương tiện đối thoại giữa nghệ thuật, triết học và nội tâm con người. Những dự án nghệ thuật – thời trang như Inflowing (2022), Rendezvous (2023) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, hay triển lãm đa giác quan Paramount (2024) là minh chứng rõ nét cho hành trình sáng tạo ấy: luôn thử nghiệm, táo bạo nhưng không tách rời khỏi cộng đồng và văn hóa bản địa.
Không chỉ dừng lại ở vai trò sáng tạo, Cường Đàm còn trực tiếp vận hành thương hiệu: xây dựng hệ thống bán lẻ, mở rộng ra thị trường quốc tế, phát triển đội ngũ và kiểm soát toàn bộ chiến lược kinh doanh. Với anh, thời trang không thể tồn tại nếu chỉ dừng lại ở cái đẹp bề mặt. Nó cần tư tưởng, cần cấu trúc vận hành và trên hết cần có khả năng sống thực sự trong đời sống.

Gen T Tatler Asia là gì?
Tatler Gen.T – Leaders of Tomorrow là danh sách thường niên do Tatler Asia công bố, nhằm vinh danh những cá nhân trẻ tuổi có tầm ảnh hưởng đang định hình tương lai của châu Á thông qua sự đổi mới, tư duy tiên phong và những đóng góp thiết thực cho cộng đồng.
Ra đời từ năm 2016, danh sách này không chỉ là một bảng xếp hạng đơn thuần mà là mạng lưới liên kết những nhà sáng tạo, doanh nhân và chuyên gia trẻ xuất sắc nhất khu vực, hoạt động trên 20 lĩnh vực đa dạng như công nghệ, thời trang, y tế, giáo dục, nghệ thuật, phát triển bền vững…
Với quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt, mỗi cá nhân trong danh sách Gen.T phải trải qua nhiều vòng đề cử và thẩm định chéo. Ban đầu, từng ấn phẩm Tatler tại các quốc gia sẽ đề xuất những gương mặt nổi bật trong cộng đồng địa phương. Các đề cử này sau đó được chuyển tới trụ sở chính ở Hong Kong, nơi Hội đồng Gen.T phối hợp cùng mạng lưới Tribe - hội đồng cố vấn độc lập quy tụ các nhà lãnh đạo, nhà đầu tư và chuyên gia đầu ngành khu vực tiến hành thẩm định cuối cùng.
Chỉ những cá nhân đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe về năng lực chuyên môn, tầm ảnh hưởng và khả năng tạo ra tác động xã hội bền vững mới được lựa chọn. Riêng trong lĩnh vực thời trang, người được vinh danh không chỉ cần sở hữu thương hiệu riêng mà còn phải chứng minh năng lực vận hành, tăng trưởng rõ ràng và có ít nhất 10 năm hoạt động chuyên nghiệp trong ngành.
Gen.T 2025 - đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam góp mặt
Năm 2025 đánh dấu cột mốc đặc biệt khi Việt Nam lần đầu tiên chính thức gia nhập cộng đồng Gen.T cùng với sự trở lại của Indonesia. Mạng lưới Gen.T do đó càng trở nên toàn diện hơn, kết nối những nhà lãnh đạo tương lai từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ: Singapore, Hong Kong, Trung Quốc đại lục, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Đặc biệt, danh sách năm nay đánh dấu năm thứ 10 của Gen.T, với tiêu chí đánh giá nghiêm ngặt hơn bao giờ hết: tác động thực tế, đổi mới có chiều sâu và khả năng định hình xu hướng dài hạn. Mỗi gương mặt được chọn không chỉ đại diện cho thế hệ mới của ngành nghề mình theo đuổi, mà còn là người tiên phong thúc đẩy sự tiến bộ cho xã hội – từ công nghệ, giáo dục, môi trường đến văn hoá sáng tạo.

Ngoài Cường Đàm (Việt Nam), danh sách Gen.T 2025 còn vinh danh nhiều gương mặt xuất sắc trong lĩnh vực thời trang đến từ các quốc gia như Singapore, Hồng Kông, Philippines, Malaysia và Thái Lan. Họ là những nhà sáng lập thương hiệu, chuyên gia, nhà thiết kế và lãnh đạo sáng tạo - những người đang góp phần định hình diện mạo mới cho ngành thời trang tại châu Á.
Tiêu biểu có thể kể đến: Aota Lan Vy Trần - Nhà sáng lập và CEO; Chia Pei Qi - Đồng sáng lập kiêm COO của Delugs (Singapore); Chayapa Chutrakul - Giám đốc điều hành Directions Group (Thailand); Ke Wei Lon - Nhà sáng lập và thiết kế của Allenko3 (Malaysia); Samuel Lewis - Nhà thiết kế trẻ đang lên tại khu vực.
Tại sao Cường Đàm là cái tên xứng đáng?
Trong một ngành công nghiệp luôn bị giằng co giữa nghệ thuật và thương mại, Cường Đàm chọn không đứng về phía nào. Anh tự tạo ra một hành trình riêng – nơi ý niệm là linh hồn và tư duy kinh doanh là mạch máu nuôi “suối nguồn” sáng tạo. Chính điều đó, anh là nhà thiết kế duy nhất trong lĩnh vực thời trang tại Việt Nam được vinh danh.
Danh sách Gen.T không đơn thuần tìm kiếm những tài năng, mà vinh danh những người đang tạo ra ảnh hưởng tích cực và bền vững. Họ tin rằng, thời gian sẽ chứng minh tất cả và sự bền bỉ chính là bản lĩnh thật sự của một nhà kiến tạo. Đó là lý do vì sao Cường Đàm được chọn. Anh không rút gọn bản thân vào một danh xưng: là nhà thiết kế? Là giám đốc sáng tạo? Tất cả đều đúng. Nhưng đồng thời, anh cũng là một người vận hành doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, tối ưu đội ngũ và hiểu rõ từng cấu trúc vận hành để một thương hiệu có thể thực sự sống sót, phát triển và lan tỏa.
Diễn giải thời gian bằng tư duy giao thoa giữa kiến trúc sư và nhà thiết kế, các sáng tạo của Cường Đàm từ C.DAM đến CHATS by C.DAM đều mang tinh thần của một công trình: chú trọng vào khối, tỷ lệ, không gian âm - dương và cách chúng vận hành trên cơ thể con người. Những đường cắt bất đối xứng, phom dáng được biến tấu, kỹ thuật draping được ứng dụng như một ngôn ngữ hình thể. Dưới lớp vỏ tối giản là cấu trúc kỹ thuật nghiêm ngặt: từng chi tiết, từng mép may đều được tính toán tỉ mỉ.
Điều làm nên "thương hiệu" của Cường Đàm không chỉ nằm ở kỹ thuật, mà còn ở triết lý thiết kế mang tính phản tư sâu sắc. Mỗi bộ sưu tập là một tuyên ngôn cá nhân, về trạng thái xã hội và cảm xúc đương thời. Từ bất định đến tái sinh, từ phản kháng đến chữa lành, thời trang dưới góc nhìn của anh không chỉ để mặc, mà còn để suy ngẫm và đối thoại với chính mình.
Nếu không có ý niệm, thời trang chỉ là những mảnh vải chết - Cường Đàm từng chia sẻ trên trang cá nhân.
Đây không phải là một tuyên ngôn ngạo mạn, mà là kết tinh của 10 năm làm nghề với niềm tin thời trang chỉ sống được khi nó có hồn. Từ đứa trẻ dùng chì màu để miêu tả thế giới, một sinh viên kiến trúc mê những trò chơi hình khối, cho đến người đàn ông bị vây hãm bởi những lý tưởng siêu thực, Cường Đàm chưa bao giờ mất đi dòng chảy sáng tạo trong mình. Và chính dòng chảy đó là thứ giúp anh kiến tạo nên một thế giới thời trang không giống bất kỳ ai.
Cái hay ở một người nghệ sĩ là không cần phải giải thích điều mình làm, họ chỉ cần làm điều đó đến tận cùng, bằng sự chân thành và để công chúng tự cảm nhận. Những bộ sưu tập như Luminheart (2025), thể hiện triết lý Thân – Tâm – Tuệ qua ánh sáng, chất liệu kim loại và nếp vải; hay những lần xuất hiện như triển lãm Rendezvous ở Nhà hát Lớn Hà Nội và đặc biệt là triển lãm đa giác quan Paramount đã chứng minh điều đó.
Với Paramount, thay vì một show diễn kéo dài 15 hay 30 phút như thường thấy, Cường Đàm quyết định biến màn ra mắt thành một “đền đài” mở kéo dài ba ngày. Anh gọi đó là hành trình để người xem “diện kiến đấng tối cao bên trong mình”. Bởi theo anh, một buổi trình diễn ngắn ngủi không đủ để truyền tải giá trị cốt lõi của thương hiệu, càng không đủ để để lại khoảnh khắc lắng đọng và sâu sắc trong lòng khán giả. Ở đó, thời trang không còn là quần áo đơn thuần mà là một hình thái nghệ thuật sống – nơi kiến trúc, triết học, điêu khắc ánh sáng và trải nghiệm con người hòa làm một.
Cường Đàm không chỉ được vinh danh nhờ tư duy nghệ thuật độc đáo, mà còn bởi sự dấn thân sâu sát vào thực địa thị trường. Anh mở rộng hệ thống bán lẻ, triển khai cửa hàng ở nước ngoài, chủ động tiếp cận tệp khách hàng quốc tế và xây dựng đội ngũ một cách bài bản. Mỗi bộ sưu tập không chỉ được tạo ra để "đẹp" hay "ấn tượng", mà phải thật sự sống - sống trong đời sống, trong cảm xúc người mặc và sống được trên sổ sách tài chính. Với anh, mỗi BST là một chiến lược. Mỗi show diễn là một công cụ để tái định vị thương hiệu. Và từng nếp vải không chỉ là tiếng nói cá nhân, mà còn là nhịp đập hòa trong mạch vận hành của một doanh nghiệp thời trang.
Chính tư duy sáng tạo và kinh doanh song hành đã giúp Cường Đàm trở thành “tấm gương” gương mẫu. Anh không khuất phục thị trường, nhưng cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Không làm thời trang để thỏa mãn thẩm mỹ nhất thời, mà để tạo ra giá trị lâu dài cho cộng đồng cả ở khía cạnh văn hóa lẫn kinh tế.