Sau những năm tăng trưởng thần tốc, LVMH bước vào giai đoạn thử lửa với áp lực từ thị truờng. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2025 dự kiến công bố vào ngày 24/7 đang được cả ngành xa xỉ dõi theo như một chỉ dấu cho vận mệnh thời kỳ hậu tăng trưởng.
Tập đoàn LVMH sẽ công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2025 vào ngày 24/7 sau khi sàn Euronext Paris đóng cửa. Với vị thế là tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới về doanh thu (84,7 tỷ euro năm 2024), mọi ánh mắt của nhà đầu tư sẽ dồn về các tín hiệu mà ban điều hành đưa ra xoay quanh sức khỏe tiêu dùng tại ba thị trường trọng yếu: Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.

Thông tin lần này càng thu hút sự chú ý vì cổ phiếu LVMH đang giảm mạnh hơn hẳn so với mặt bằng chung của ngành hàng xa xỉ. Từ đầu năm đến nay, chỉ số chung đại diện cho ngành (Morningstar Global Luxury Goods) giảm 7%, nhưng riêng cổ phiếu LVMH đã mất tới 22% giá trị. Điều này cho thấy LVMH có thể đang gặp những vấn đề riêng – không chỉ bị ảnh hưởng bởi xu hướng chững lại chung của thị trường, mà còn tồn tại các áp lực nội tại cần được giải đáp.
Tất cả sẽ được hé lộ trong báo cáo tài chính quý I và quý II mà LVMH chuẩn bị công bố. Bản tổng kết sẽ là chỉ dấu để giới đầu tư đánh giá lại niềm tin vào ngành xa xỉ toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là: liệu tập đoàn quyền lực này đang đi chậm lại, hay chỉ đang tạm “lùi một bước” cho chiến lược dài hơi hơn?
Đọc thêm: LVMH đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay
Những điểm sẽ được chú ý trong kỳ báo cáo?
Theo chuyên gia Jelena Sokolova (Morningstar), xu hướng sụt giảm từ quý I nhiều khả năng sẽ kéo dài sang quý II, đặc biệt ở hai mảng chủ lực là thời trang, đồ da và rượu, vốn đã lần lượt giảm 5% và 9% trong quý đầu năm. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên biên lợi nhuận do đòn bẩy chi phí cố định.
Dự báo đồng thuận từ FactSet cho thấy doanh thu nửa đầu năm 2025 sẽ giảm 3%, xuống còn 39,89 tỷ euro; lợi nhuận hoạt động giảm còn 9 tỷ euro; và lợi nhuận ròng còn 5,9 tỷ euro – thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái
Các nhà đầu tư sẽ đặc biệt quan tâm đến mảng thời trang – đồ da, chiếm gần một nửa doanh thu và gần 80% lợi nhuận hoạt động thường xuyên năm 2024. Thêm vào đó, căng thẳng thương mại và biến động tỷ giá, đặc biệt là đồng USD và nhân dân tệ suy yếu sẽ tiếp tục gây bất ổn cho nhu cầu mua sắm từ Trung Quốc và Mỹ, theo cảnh báo từ các nhà phân tích tại Santander.
Trung Quốc và những biến số quan trọng
Trong nhiều năm, Trung Quốc đóng vai trò là động lực tăng trưởng then chốt cho LVMH, với khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) – nơi Trung Quốc chiếm tỷ trọng chủ đạo hiện mang lại khoảng 30% tổng doanh thu cho tập đoàn. Riêng mảng Thời trang và Đồ da, vốn chiếm gần 50% doanh thu và tới 70–75% lợi nhuận hoạt động định kỳ của LVMH, đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này tiếp tục suy yếu.

Doanh số tại châu Á đã giảm tới 11% trong quý I/2025, trong đó sự sụt giảm ở Trung Quốc là nhân tố chính khi tầng lớp trung lưu Trung Quốc thu hẹp chi tiêu cho hàng xa xỉ, chuyển hướng ưu tiên sang các trải nghiệm du lịch và dịch vụ thay vì mua sắm vật chất.

Dù ngành xa xỉ đang bị ảnh hưởng từ sự chững lại của thị trường Trung Quốc. LVMH dường như chịu thiệt hại sâu sắc hơn các đối thủ như Hermès hay Prada – những thương hiệu vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định tại thị trường này. Để đối phó, LVMH đang nỗ lực tái định vị tại Trung Quốc bằng cách đầu tư vào các không gian bán lẻ trải nghiệm như flagship “The Louis” tại Thượng Hải, đồng thời tăng cường hợp tác với Alibaba nhằm thúc đẩy kênh thương mại điện tử, tích hợp công nghệ và nền tảng đám mây để tối ưu hóa hiệu quả vận hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh hành vi tiêu dùng vẫn biến động và căng thẳng thương mại tiếp diễn, thị trường Trung Quốc từ chỗ là động cơ tăng trưởng đang trở thành biến số đầy rủi ro cho tương lai của LVMH.
Đọc thêm: Doanh thu giảm, LVMH đặt cược vào Jonathan Anderson tại Dior
Khả năng định giá và triển vọng về lợi thế cạnh tranh
Dù LVMH chịu áp lực chung từ biến động kinh tế toàn cầu, Louis Vuitton – thương hiệu chủ lực của tập đoàn vẫn chứng minh được vị thế vững chắc trong hệ sinh thái xa xỉ. Louis Vuitton, dù không công bố doanh thu riêng, từ lâu đã được định vị là thương hiệu sinh lời nhiều nhất của tập đoàn, chiếm khoảng 50% tổng lợi nhuận mảng Thời trang và Đồ da. Điều này có nghĩa: chỉ một mình Louis Vuitton đã mang lại khoảng 5 tỷ euro lợi nhuận hoạt động mỗi năm – theo ước tính của HSBC và Morgan Stanley. Về dài hạn, Louis Vuitton được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt trung bình ngành, từ 5–10%.
Cuối tháng Tư, Morningstar đã hạ mức định giá hợp lý của cổ phiếu LVMH từ 650 euro xuống 620 euro/cổ phiếu, đồng thời điều chỉnh giảm nhẹ dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2025 nhằm phản ánh bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn hơn. Thế nhưng, Morningstar vẫn xếp hạng LVMH nằm trong nhóm có "economic moat" rộng - tức sở hữu lợi thế cạnh tranh bền vững nhờ tài sản thương hiệu vô hình. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: quyền định giá, mức độ dễ nhận diện sản phẩm, giá trị đầu tư của sản phẩm và quyền kiểm soát kênh phân phối.

Louis Vuitton đạt biên lợi nhuận khoảng 40% trong nhiều năm và có khả năng hiện đã tiến gần mức 50%. Việc thương hiệu này tăng giá vào năm 2009 và 2020 để bù đắp cho lượng khách sụt giảm, mà không gây ảnh hưởng tiêu cực tới doanh số, là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh định giá. Từ năm 2020 đến nay, chiến lược tăng giá tiếp tục được đẩy mạnh, nhưng nhu cầu vẫn không hề suy giảm.
Bức tranh này cho thấy Louis Vuitton không chỉ là nguồn thu ổn định, mà còn là "tấm khiên" bảo vệ LVMH khỏi những cú hụt hơi từ các mảng còn lại. Dior – một trụ cột khác dù được kỳ vọng phục hồi dưới thời giám đốc sáng tạo mới Jonathan Anderson, vẫn chưa có thời gian chứng minh giá trị kinh tế lâu dài. Doanh số của Dior trong những quý trước ghi nhận dấu hiệu chững lại và Anderson chỉ mới bắt đầu nhiệm kỳ. Trong khi đó, các thương hiệu như Loewe, Céline, Fendi… tuy tăng trưởng hình ảnh mạnh mẽ, nhưng chưa đạt đến quy mô tạo ảnh hưởng tài chính đáng kể như Louis Vuitton.

Trong thời kỳ tăng trưởng chậm, LVMH có thể không còn bước đi thần tốc như thập kỷ trước, nhưng Louis Vuitton vẫn là chiếc mỏ neo giữ ổn định cho con tàu. Sự nhất quán về hình ảnh, khả năng kiểm soát phân phối và sức hút toàn cầu giúp thương hiệu Pháp này tiếp tục là “cỗ máy in tiền” giữa cơn sóng ngầm của thị trường xa xỉ.
Tham khảo: Business of Fashion, Vogue Business, LVMH Financial Results, FactSet, The Morningstar