Giữa năm 2025, bài toán về màu da vẫn tiếp tục “bao trùm” thị trường làm đẹp.
Ngành công nghiệp làm đẹp vẫn thường tự hào là sân chơi của sự đa dạng và toàn diện. Thế nhưng, phía sau những chiến dịch được tô vẽ hào nhoáng là những “khoảng trống” chưa thỏa mãn người tiêu dùng. Với những người sở hữu làn da sẫm màu, hành trình tìm kiếm một sản phẩm nền phù hợp không còn là vấn đề cá nhân mà đã trở thành tiếng nói chung của cộng đồng, đặc biệt mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok.

Tiếng nói từ cộng đồng da màu
Nếu để ý kỹ khi bước vào một cửa hàng mỹ phẩm, bạn sẽ nhận ra thực tế rằng: càng về cuối bảng màu, lựa chọn càng trở nên ít ỏi. Những người có tông da từ nâu vừa đến nâu rất sẫm thường phải tự pha trộn nhiều sản phẩm để có được sắc độ tiệp với tone da. Điều này gây nên không ít bất tiện, nhất là khi phần lớn các thương hiệu vẫn chỉ ưu ái cho tông da trung bình và sáng.
Golloria George - Nhà sáng tạo nội dung gốc Nam Sudan với hơn 3,2 triệu người theo dõi trên TikTok, là một trong những tiếng nói tiên phong và nổi bật về vấn đề này. Sở hữu làn da tối màu cùng kinh nghiệm nhiều lần không tìm được tông màu kem nền phù hợp, cô chia sẻ:
Tôi không hề có ý định trở thành tiếng nói cho sự đa dạng màu da nhưng đó là điều tôi phải đối mặt hằng ngày. Việc lên tiếng chỉ đơn giản là phản ứng tự nhiên khi bạn liên tục bị phớt lờ

Làn sóng xã hội “buộc” ngành làm đẹp thay đổi
Sau phong trào Black Lives Matter năm 2020, người tiêu dùng bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ về sự thiếu đa dạng tông màu các dòng mỹ phẩm, đặc biệt là kem nền. Vào năm 2017, Fenty Beauty đã nhanh chóng “bắt kịp” làn sóng này và trở thành thương hiệu đầu tiên ra mắt 40 tông màu nền ngay từ lần đầu tiên. Đây là cột mốc chưa từng có trong ngành làm đẹp vào thời điểm đó. Rihanna từng chia sẻ rằng:
Tôi muốn ai ai cũng phải cảm thấy được tiếp cận. Đó mới là lý do thực sự để bản thân sáng lập nên thương hiệu này


Tuy nhiên, theo chuyên gia trang điểm Danessa Myricks, nhiều thương hiệu chỉ mở rộng bảng màu vì sức ép từ dư luận, chứ không thực sự coi đó là ưu tiên lâu dài. Khi trào lưu xã hội lắng xuống, một số thương hiệu lại thu hẹp lựa chọn, quay về bảng màu quen thuộc trước đó. Điều này cho thấy họ chưa thực sự hiểu hoặc tin vào giá trị của sự toàn diện trong sản phẩm làm đẹp.
Lợi nhuận có phải là yếu tố quyết định?
Danessa Myricks cho biết các thương hiệu thường ưu tiên tông da trung bình vì nhóm này chiếm tỷ trọng người dùng lớn nhất. Tuy nhiên, dữ liệu tiêu dùng cho thấy nhóm khách hàng da màu tại Mỹ đã chi hơn 9,4 tỷ USD cho sản phẩm làm đẹp trong năm 2023 - một con số không thể xem nhẹ cho nhóm tiêu dùng ngách.
Javon Ford - Nhà hóa học mỹ phẩm cũng khẳng định việc tạo sắc độ phù hợp không tốn kém như nhiều người lầm tưởng. Các thành phần cơ bản như oxit sắt và titan trắng có thể tái tạo phổ màu da một cách chính xác. Điều quan trọng là thương hiệu có sẵn sàng đầu tư cho sự đa dạng trong công thức và đội ngũ phát triển sản phẩm hay không.