Tìm kiếm

Newsletter image

Subscribe to the Newsletter

Join 10k+ people to get notified about new posts, news and tips.

Do not worry we don't spam!

TÀI TRỢ
TÀI TRỢ

Yêu là để lưu luyến: Chúc mừng sinh nhật Vương Gia Vệ

Trong thế giới điện ảnh của Vương Gia Vệ, tình yêu không bộc lộ trực diện mà thường lẩn khuất sau những ánh mắt ngập ngừng, những câu thoại dở dang, những khung hình khuất. Các nhân vật của ông luôn như đang sống trong một nhịp thời gian khác - nơi quá khứ không dứt và tương lai mãi chưa tới. Đó là một cõi mơ hồ giữa cô đơn và nỗi nhớ, nơi tình cảm chưa kịp thành hình đã hóa thành dư vang ám ảnh.

Trong một cảnh giữa phim In the Mood for Love (2000), bà Trần (do Trương Mạn Ngọc thủ vai) dừng chân bên bàn mạt chược, rồi lặng lẽ bước đi, dừng lại bên cửa sổ, nhấp ngụm trà và khẽ thở dài. Mỗi bộ sườn xám bà mặc từ màu thiên thanh đến sắc vàng thủy tiên như dấu mốc cho dòng thời gian lặng lẽ trôi qua. Giai điệu Yumeji's Theme vang lên, kéo căng giữa hy vọng và sầu muộn. Cảnh phim chuyển sang người hàng xóm của bà, ông Châu (do Lương Triều Vỹ thủ vai) đang hút thuốc và lặng nhìn về xa xăm. Dù sống cạnh nhau, họ mãi là hai đường thẳng song song.

Hinh anh Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua 1
Hinh anh Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua 2

Phim của Vương gia thường xoay quanh những kẻ lạc lõng trong đô thị. Với ông, nỗi cô đơn là trung tâm của cảm xúc được nhấn mạnh bằng cách sử dụng khung cửa, bức tường hoặc những hành lang hẹp để tạo cảm giác ngột ngạt. Trong In the Mood for Love, hai nhân vật chính sống cạnh nhau nhưng không thực sự "gặp" nhau. Những người bạn đời phản bội của họ chưa từng lộ mặt, họ chỉ hiện diện qua giọng nói mơ hồ, như để khắc sâu thêm sự cô độc của hai nhân vật chính.

Hinh anh Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua 3

Vương Gia Vệ sinh năm 1958 tại Thượng Hải. Năm lên năm, ông cùng mẹ chuyển đến Hồng Kông, trong khi cha và các anh chị kẹt lại do Cách mạng Văn hóa. Không nói được tiếng Quảng và bị tách khỏi gia đình, cậu bé Vương tìm đến rạp chiếu phim như nơi trú ẩn, đó cũng chính là "trường phim" đã cho ra đời vị đạo diễn lừng danh của thời đại. Ảnh hưởng của điện ảnh Đài Loan, Pháp, Ý và Hollywood đã in dấu sâu đậm vào phong cách kể chuyện của ông sau này. Sau khi học thiết kế đồ họa, ông tham gia khóa đào tạo ở đài truyền hình TVB, làm biên kịch vài năm trước khi đạo diễn phim đầu tay As Tears Go By (Vượng Giác Ca Môn, 1988).

Chúng tôi luôn muốn có một vật gì đó che phía trước ống kính. Như thể khán giả trở thành người hàng xóm, đang âm thầm quan sát hai con người này - Vương gia chia sẻ.
Hinh anh Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua 4
Trương Quốc Vinh trong As Tears Go By (1988)
Hinh anh Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua 5
Trương Mạn Ngọc và Trương Quốc Vinh trong As Tears Go By (1988)

Phim thứ hai của ông, A Phi Chính Truyện (Days of Being Wild, 1990), tuy không thành công về doanh thu, nhưng gây tiếng vang nhờ ngôn ngữ điện ảnh khẳng định phong cách riêng của Vương Gia Vệ: từ lời thoại nội tâm, âm nhạc giàu cảm xúc cho đến kỹ thuật dựng phim kiểu montage - cách dựng phim phi truyền thống, dùng hình ảnh nối tiếp nhau không theo tuyến tính, trong đó các hình ảnh được cắt ghép theo cảm xúc, ký ức hoặc chủ đề để thể hiện trạng thái tâm lý bồn chồn, mơ hồ của nhân vật. Cấu trúc đứt đoạn ấy chịu ảnh hưởng từ nhịp cắt nhanh của MTV và cách kể chuyện phi tuyến tính trong văn học Mỹ Latinh, như Heartbreak Tango của Manuel Puig hay Tình yêu thời thổ tả của Gabriel García Márquez. Thay vì dẫn dắt người xem bằng logic,vị đạo diện này khiến người xem trôi theo nhịp điệu cảm xúc, để mỗi khoảnh khắc trở thành một mảnh vụn đầy ám ảnh của ký ức và khát khao.

Hinh anh Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua 6
Trương Quốc Vinh và Trương Mạn Ngọc trong Days of Being Wild (1990)

Sự mong mỏi và hoài niệm cũng được đặt xuyên suốt Days of Being Wild (1990). Sau khi bị Yuddy (Trương Quốc Vinh) ruồng bỏ, Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc) tâm sự với một cảnh sát lạ mặt (Lưu Đức Hoa). Họ cùng đi tuần đêm, trò chuyện vu vơ về tuổi thơ, về ký ức và những mối tình đã qua. Cô kể: “Tôi từng nghĩ một phút chỉ là khoảnh khắc thoáng qua. Nhưng có những phút giây dài như vĩnh cửu – và ai đó từng nói với tôi rằng, chỉ với một phút, anh ấy đã không thể quên tôi suốt đời”.

Hinh anh Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua 7
Lưu Gia Linh trong 'Days of Being Wild' (1990)

Điện ảnh của Vương Gia Vệ luôn nhuốm màu hoài niệm: về một chuyện tình không trọn vẹn, về Hồng Kông những năm 60. Trong The Grandmaster (2013), tình yêu lại hiện ra dưới hình hài của sự kiên định và lựa chọn. Công Nhị (Chương Tử Di) - con gái duy nhất của một sư phụ võ lâm quyết không lập gia đình mà dành cả đời để trả thù cho cha.

Cuối phim, cô nói: “Một thời đại luôn đặt ra lựa chọn: đi tiếp hoặc ở lại. Tôi chọn ở lại trong thời đại mà tôi hạnh phúc nhất”. Nụ cười của cô lúc ấy rạng rỡ như mặt trời mùa đông.

Đọc thêm: Wing Shya - nhiếp ảnh gia hậu trường sau những khung hình cô liêu của Vương Gia Vệ

Hinh anh Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua 8
Chương Tử Di và Lương Triều Vỹ trong The Grandmaster (2013)
Hinh anh Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua 9
Chương Tử Di và Lương Triều Vỹ trong The Grandmaster (2013)

Phim của Vương gia là sự hòa quyện giữa nhạc, ánh sáng, lời thoại và cả khoảng lặng. Ông nổi tiếng với lối làm phim không kịch bản hoàn chỉnh, quay kéo dài, dựng phim vào phút chót - để lại không gian cho cảm xúc được khám phá tự nhiên. Ông mô tả phong cách của mình là “một hành trình khám phá hơn là thao tác kỹ thuật”. Trong Chungking Express (1994), máy quay được đặt ở rất xa nhưng nhân vật lại thì gần gũi; trong khi Fallen Angels (1995) sử dụng ống kính góc rộng, đưa máy quay sát mặt nhân vật nhưng lại tạo ra cảm giác xa xăm.

Dù là khói thuốc, mưa rơi, hay ánh sáng hắt qua tấm rèm, những chi tiết trong phim Vương Gia Vệ không chỉ là bối cảnh mà chính là tâm trạng. Chúng chậm rãi thấm vào nhân vật, như cách mà tình yêu dù không trọn vẹn vẫn để lại một dư hương mãi không tan.

Hinh anh Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua 10
Lương Triều Vỹ và Vương Phi trong Chungking Express (1994)
Hinh anh Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua 11
Kim Thành Vũ và Lý Gia Hân trong Fallen Angels (1995)
Hinh anh Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua 12
Lý Gia Hân trong Fallen Angels (1995)
Hinh anh Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua 13
Lê Minh trong Fallen Angels (1995)

Với Vương Gia Vệ, điều ông quan tâm không chỉ là tình yêu đơn phương, mà là những mối tình chưa kịp bắt đầu, những khả thể chưa thành hình nhưng ám ảnh dai dẳng. Nhân vật của ông luôn sống trong trạng thái bồn chồn, bất định và thường là người rời đi. Trước khi rời Hồng Kông, ông Châu gọi điện cho bà Trần: “Nếu có thêm một vé, cô có đi cùng tôi không?”. Câu hỏi lửng lơ ấy vang lên giữa khúc ca nhuốm màu tiếc nuối và mơ hồ Quizás, Quizás, Quizás (Có lẽ, có lẽ, có lẽ) của Nat King Cole.

Khi được hỏi đâu là sợi chỉ xuyên suốt các bộ phim của mình, Vương gia đáp: “Tôi nghĩ đó là sự khát khao, nhiều hơn là tiếc nuối. Khát khao là điều khiến con người tiếp tục bước tiếp... Phim của tôi luôn nói về niềm hy vọng - niềm hy vọng vào điều gì đó tốt đẹp hơn”.

Và trong những cảnh quay hai con người đi lang thang trong đêm, không rõ đích đến, ông tìm thấy chút hy vọng mong manh nơi sự kết nối giữa người với người dù chớp nhoáng hay phù du. Bởi một khoảnh khắc, như ông từng nói, có thể neo lại trong ta cả một đời.


Chuyển ngữ theo ACMI - Bài viết từ tác giả Shu-Ling Chua

TÀI TRỢ

Bài viết liên quan

TÀI TRỢ