Tuần lễ Thời trang Nam Xuân/Hè 2026 đã chính thức khép lại vào cuối tháng 6 vừa qua. Các sàn diễn tiếp tục là sân khấu cho những ý tưởng sáng tạo và trải nghiệm thị giác độc đáo, thu hút sự chú ý của giới mộ điệu toàn cầu.
Dưới cái nắng nóng gay gắt bao trùm Paris, Tuần lễ Thời trang Nam Xuân/Hè 2026 đã chính thức khép lại. Thời tiết oi ả của Paris dường như là phép ẩn dụ cho những áp lực mà ngành thời trang đang đối mặt. Bất chấp giai đoạn chững lại của thị trường xa xỉ toàn cầu, các nhà thiết kế vẫn chứng minh rằng sàn diễn không chỉ là nơi trình bày trang phục mà còn là sân khấu của những màn trình diễn nghệ thuật đầy ấn tượng.
Mặc dù các bộ sưu tập Xuân/Hè 2026 mang cảm giác kiềm chế và thực tế hơn, với những tủ quần áo linh hoạt, dễ thích nghi, tập trung vào cấu trúc tinh tế và tính tiện ích, nhưng tiêu chuẩn dàn dựng show vẫn được duy trì ở mức cao. Các sàn diễn tiếp tục là nơi thăng hoa của những ý tưởng sáng tạo, biến những địa danh biểu tượng của Paris thành sân khấu cho những trải nghiệm thị giác độc đáo, thu hút sự chú ý của giới mộ điệu toàn cầu.
Louis Vuitton
Ngay khi ánh hoàng hôn Paris phủ lên Trung tâm Pompidou, Pharrell Williams đã biến quảng trường thành sân khấu khổng lồ đầy choáng ngợp, trải dài 2.700 mét vuông với thiết kế bàn cờ rắn và thang. Đây không chỉ là buổi trình diễn thời trang, mà là bản giao hưởng ngoạn mục của ánh sáng, âm thanh và chuyển động trên nền nhạc rung chuyển mặt đất được trình diễn trực tiếp bởi Voices of Fire và l’Ochestre du Pont Neuf.
Williams tiếp tục khẳng định tầm nhìn "dandy toàn cầu" của mình, mang đến phong cách tinh tế nhưng đa dạng cho người đàn ông du hành thế giới. Mùa này, Ấn Độ là nguồn cảm hứng chủ đạo, thể hiện qua sự hợp tác với Studio Mumbai trong bối cảnh và những chi tiết tinh xảo như giày kiểu paduka, họa tiết dệt, tua rua, hay áo len cricket.
Williams thậm chí còn tái tạo bộ hành lý Louis Vuitton từ bộ phim The Darjeeling Limited, nhấn mạnh triết lý "Chúng tôi là nhà mốt của những chuyến đi”. Bộ sưu tập gây ấn tượng bởi sự mềm mại bất ngờ trong các kiểu dáng may đo, cùng với sự kết hợp khéo léo giữa trang phục công sở quen thuộc và những sáng tạo thủ công tinh xảo. Điển hình là chiếc áo hoodie lông chồn được may tay tỉ mỉ, minh chứng cho tay nghề bậc thầy của xưởng may Louis Vuitton dưới sự dẫn dắt của Pharrell Williams.
Đọc thêm: Louis Vuitton hành trang đến Ấn Độ - miền đất hứa của thời trang xa xỉ
Dior Men
Không gian trình diễn cho bộ sưu tập ra mắt được mong đợi nhất mùa của Jonathan Anderson cho Dior được thiết kế lại để gợi lên nội thất "bọc nhung" và sàn gỗ parquet của bảo tàng Gemäldegalerie ở Berlin, mặc dù ở đây chỉ có hai bức tranh được trưng bày – một cặp tranh tĩnh vật của họa sĩ Pháp thế kỷ 18 Jean Baptiste Siméon Chardin. Những bức tranh khiêm tốn nhưng đẹp đẽ này có ý nghĩa ẩn dụ đối với Anderson, rằng vào thời điểm nghệ thuật thường liên quan đến sự xa hoa và trình diễn, Chardin lại lặng lẽ tôn vinh cái đời thường, đánh đổi sự hoành tráng để lấy sự chân thành và đồng cảm. Với bộ sưu tập mở màn của mình, Anderson đã tìm kiếm nhiệm vụ tương tự – "giải mã" di sản nhà Dior và “ tái mã hóa” những điều đồng nghĩa với sự giàu có, trang trọng để tới cái gì đó ngẫu hứng hơn, đó là những niềm vui trong nghệ thuật ăn mặc.
Do đó, các quy tắc trang trọng – từ áo choàng và áo khoác dạ đến Bar jacket, cùng với áo cardigan Ivy League, cà vạt quân đội và áo vest đều bị xáo trộn và lệch lạc trong cách phối hợp. Những trang phục mang tính tiện dụng lại hoạt động theo chiều ngược lại, chiếc quần cargo khiêm tốn được trình bày phóng đại với cấu trúc xếp nếp lấy cảm hứng từ bộ váy dạ hội Delft lưu trữ của Christian Dior. Áo choàng, khăn quàng buổi tối dài và áo len dệt kim màu sắc, ở đây được khoác hờ qua vai, đã nắm bắt cảm giác phóng đãng trong cách ăn vận, hoà hợp với những chi tiết trang trí lấp lánh mang hương vị Rococo, cài cắm những ký ức về thời kỳ lịch sử xa hoa của triều đình Pháp đã mê hoặc Monsieur Dior từ lâu.

Sự hiện đại có thể được tìm thấy bằng cách không sợ hãi quá khứ. Mọi thứ phải được tái sinh từ chính từ chính những điều đã cũ. Đó là cách Jonathan đối thoại với kho di sản đồ sộ của Dior. Và khi buổi diễn vang lên với giai điệu “Please don’t stop me”, giới mộ điệu chỉ mong anh đừng bao giờ dừng lại.
Đọc thêm: Lễ ra mắt "người đàn ông của Dior": Jonathan Anderson Dior Menswear Xuân Hè 2026
Rick Owens
Nếu bạn nghĩ thời trang chỉ là vẻ đẹp tinh tế, Rick Owens đã chứng minh điều ngược lại. Ông cố tình tạo ra sự đối lập kinh ngạc khi đặt "sự quyến rũ thô sơ và sự dơ bẩn" – linh hồn của những tác phẩm đầu tay vào lòng các sảnh đường trang nghiêm của một tổ chức lịch sử Paris. Và bộ sưu tập đã cất tiếng nói đanh thép cho sự xung đột ấy. Chiếc áo khoác cồng kềnh, tưởng chừng lạc lõng với những hạt sequin lấp lánh. Những bộ trang phục khác được in bằng ảnh chụp bồn tiểu, hay phá phách trong những chi tiết bị cố tình phá hủy. Các thiết kế tràn ngập các đường cắt xẻ, vết rách không đối xứng, hoặc những phần vải bị cắt bỏ một cách táo bạo, tạo nên vẻ ngoài thô ráp và nổi loạn. Một số bộ cánh có chất liệu vải được xử lý để trông như đã cũ kỹ, sờn rách, hoặc bị mài mòn theo thời gian.

Đỉnh điểm của sự kịch tính nằm ở chính buổi trình diễn. Tại Palais de Tokyo, một "Temple of Love" bằng giàn giáo khổng lồ sừng sững nổi lên giữa hồ nước. Nhưng đó không phải là tất cả. Từ ngôi đền kiên cố ấy, các người mẫu ướt sũng bước xuống dứt khoát bằng đôi bốt đế cao khổng lồ thách thức trọng lực, sau khi đắm mình trong làn nước lạnh lẽo.

"Temple of Love" là buổi lễ tôn vinh cái đẹp dị biệt, là bàn tiệc cho cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự tinh tế và cái thô mộc, giữa suy tàn và tái sinh. Rick Owens đã không trình diễn trang phục; ông đã kiến tạo trải nghiệm, cảm xúc và chuỗi dài những tuyên ngôn về sự sống còn và kiên cường.
Đọc thêm: Rick Owens SS26: Có điều gì sau một đền đài "tàn khốc"?
Craig Green
Craig Green, kẻ luôn chất vấn công năng thông qua diễn giải cấu trúc, theo đuổi thứ tâm linh bất định một lần nữa không khiến giới mộ điệu thất vọng. Anh đưa người xem bước vào cuộc hành trình khám phá đầy mê hoặc với bộ sưu tập Xuân/Hè 2026. Dưới ánh sáng LED mô phỏng những vì sao lấp lánh từ đôi mắt người mẫu, Green mời gọi khách mời bước vào thế giới "flower-power" – mong manh mà mạnh mẽ tựa như cánh hoa. The Beatles là nguồn cảm hứng chính, không phải vì vẻ ngoài hào nhoáng, mà bởi sức sáng tạo sung mãn và năng suất phi thường thời trẻ của họ.
Bộ sưu tập là bảo tàng của ký ức được giải cấu trúc, nơi những dải vải lủng lẳng, dây rút với độ dài khác nhau và những bộ đồ dệt kim bị "hủy hoại" để kể câu chuyện về thời gian và sự hao mòn. Chi tiết người mẫu ngậm chặt khăn lụa gợi lên sự khao khát bản năng của con người muốn được “trừ tà” khỏi những ký ức cũ, trong khi những chiếc cổ áo cấu trúc tạo hiệu ứng déjà vu như ẩn dụ cho sự kết nối, hay sự giằng xé khi bị ràng buộc.

Trên sàn runway trải đầy cát vàng gợi nhắc bãi biển của ký ức, các thiết kế của Green trình diễn vẻ đẹp vừa hữu hình vừa mơ màng khó nắm bắt: từ kính mắt tia laser làm từ đèn nhà búp bê, đến những dải vải và dây rợ buông thõng, tạo cảm giác về sự không hoàn hảo có chủ đích. Mỗi đường may dường như lưu giữ ký ức, với bảng màu bụi bặm và bề mặt mềm mại, như thể " những nhúm cát đọng trong túi và gấu quần", biến bộ sưu tập thành sự pha trộn tài tình giữa cái quen thuộc và cái lạ lùng, hệt như bản tình ca được tua ngược lại, mời gọi người xem nhìn lại và cảm nhận mọi thứ theo cách mới mẻ hơn.
Kiko Kostadinov
Vào ngày áp chót của mùa thời trang nam, Kiko Kostadinov đã mời giới mộ điệu đến một bãi đậu xe ở Paris, nơi anh biến thành một thị trấn đảo hư cấu. Anh mô tả đây là "một nơi nhỏ bé và khó xác định, tách biệt khỏi thế giới bên ngoài”.
Bộ sưu tập diễn biến trên sự tưởng tượng của người xem show về một ngày tại nơi yên tĩnh “giả lập” này. Những thiết kế tập trung vào những kiểu dáng dễ mặc, lấy cảm hứng từ những món đồ mà người ta có thể sẽ mặc theo cách tuỳ tiện khi bất ngờ ra khỏi nhà vào một ngày nghỉ. Những bộ trang phục "buổi sáng" lấy cảm hứng từ bộ pyjama quân đội Bulgaria, với áo cổ tròn bằng vải twill paisley được phối ngẫu nhiên với quần cotton họa tiết hoat. Đến buổi chiều, các thiết kế chuyển sang sự pha trộn bất quy tắc của kiểu dáng quần áo lao động bằng vải twill co giãn, denim Nhật Bản và áo sơ mi kẻ sọc. Và vào ban đêm, sự phấn khích của việc ăn mặc đẹp quay trở lại và chiếm lĩnh trong những chiếc áo blazer xếp nếp và cắt ngắn, quần xếp ly và những mẫu áo khoác dài K-dark đang thịnh hành ở Nhật Bản.
Với ý tưởng tái tạo cảm giác mềm mại đã cũ của những món đồ yêu thích, Kiko Kostadinov đã đặt trọng tâm vào tính xúc giác của vải. Anh sử dụng đa dạng chất liệu, từ vải twill nhẹ lãng mạn và len seersucker, đến những chiếc áo thun nhuộm tạo hiệu ứng nứt như men gốm Yotiman. Đây là một màn trình diễn tự tin của Kostadinov, đặt ra câu hỏi sâu sắc về cái đẹp: nếu bạn sống trong một thị trấn không ai để ý, bạn sẽ ăn mặc thế nào và bộ quần áo nào sẽ đưa bạn đến gần nhất với bản thân mình?
Comme des Garçons Homme Plus
Dưới cái nóng hầm hơi của không gian tường bê tông trên Rue Auber, Rei Kawakubo đã mang đến buổi trình diễn Comme des Garçons Homme Plus Xuân/Hè 2026 đầy choáng váng, nơi thời trang biến thành lời cầu nguyện cho hòa bình và tình yêu.

"Tôi có cảm giác rằng chúng ta thực sự cần một người mạnh mẽ như một pháp sư để dẫn dắt chúng ta trở lại hòa bình, tình yêu và tình anh em," Kawakubo chia sẻ. Và ngay lập tức, những "pháp sư đương đại" của bà sải bước trên sàn diễn. Họ đội những chiếc mũ baker-boy khổng lồ – có cái hai đỉnh chót vót, có cái quấn khăn turban bằng vải. Từ bên trong chiếc mũ, những bím tóc đen dày hiện ra như những ảo ảnh kỳ lạ, một hình ảnh quen thuộc nhưng ám ảnh đặc trưng trên sàn diễn Comme des Garçons.
Kawakubo đã đặt tên buổi trình diễn là "Not suits, but suits", một tuyên bố mạnh mẽ cho việc khám phá lại bộ trang phục nền tảng này theo cách sống động đặc trưng của bà. Mỗi thiết kế đều phá vỡ mọi quy tắc về tính đồng bộ form dáng: từ những bộ vest ôm sát, phần tà xòe rộng như thác nước, kết hợp cùng quần bó sát chân, cho đến loạt áo blazer với những nhãn được phóng to khổng lồ. Ở những look khác, những chiếc áo vest dài được tạo khối phồng như pannier được tạo form bằng kỹ thuật dựng thú vị. Kỹ thuật “pannier-like protrusions” thường được Kawakubo sử dụng trong các bộ sưu tập thời trang nữ của mình, nay được bà táo bạo đưa vào menswear, càng khẳng định tư duy không ngừng thử thách và vượt mọi giới hạn của bà.
IM Men
Trong buổi trình diễn thứ hai tại kinh đô ánh sáng Paris, IM Men – một phần của đế chế Issey Miyake đã kiến tạo nên bản giao hưởng thị giác đầy mê hoặc, hòa quyện thời trang với nghệ thuật gốm sứ Nhật Bản tiên phong của nghệ nhân Shoji Kamoda. Dù cuộc đời ngắn ngủi, Kamoda đã để lại di sản sâu sắc với những tác phẩm gốm đầy biểu cảm, đậm dấu vết thời gian và tinh thần cá nhân. IM Men đã chắt lọc tinh hoa ấy, chuyển hóa thành một bộ sưu tập giàu nhịp điệu, nổi bật bởi màu sắc táo bạo, chuyển động mềm mại và các kiểu dáng mang tính điêu khắc sống động, tất cả cùng hiện diện tại Fondation Cartier pour l’Art Contemporain.

Tại đây, vải vóc không chỉ là chất liệu mà còn là bức tranh tái hiện chân thực bề mặt và men gốm của Kamoda. Từ những chất liệu kim loại óng ánh gợi nhớ Gintō (gốm bạc), đến các bản in tròn sống động lấy cảm hứng từ 'Kaiyu' – loại men độc đáo làm từ tro thực vật. Đặc biệt, những cấu trúc cuộn, xoắn phức tạp trên trang phục như ôm ấp lấy thân thể trong chuyển động liên tục, gợi cảm giác rằng chính vải vóc cũng đang “thở”.
Thật vậy, "khiêu vũ" chính là từ khóa xuyên suốt (bộ sưu tập được đặt tên là 'Dancing Texture'). Để biến ý tưởng này thành hiện thực, buổi trình diễn đã mở màn bằng màn vũ đạo sáng tạo. Các vũ công di chuyển như thể những tác phẩm gốm của Kamoda đã thực sự "nhảy" ra khỏi tủ trưng bày. Chúng sống động, rung cảm, mang đến một khởi đầu đầy bất ngờ và khơi gợi, phá vỡ mọi khuôn mẫu thông thường của thời trang trình diễn.