Tìm kiếm

Newsletter image

Subscribe to the Newsletter

Join 10k+ people to get notified about new posts, news and tips.

Do not worry we don't spam!

TÀI TRỢ
TÀI TRỢ

Không chỉ Loro Piana: Vì sao các thương hiệu xa xỉ hay vấp phải bê bối nhân quyền?

Vừa qua, một trong những thương hiệu xa xỉ hàng đầu - Loro Piana đã vấp phải cáo buộc liên quan đến lạm dụng lao động thuộc chuỗi cung ứng. Đây không phải thương hiệu đầu tiên đối mặt với những vấn đề này. Công chúng ngày càng hoài nghi về tính minh bạch trong thế giới xa xỉ và liệu những mặt tối tương tự sẽ tiếp diễn như thế nào trong tương lai?

Với cáo buộc vừa gặp phải, Loro Piana sẽ là thương hiệu cao cấp thứ năm tại Ý đối mặt với việc bị đưa vào diện quản lý/giám sát tư pháp sau Dior, Valentino, Armani và Alviero Martini.

Nhiều bê bối liên quan đến nhân quyền được đưa tin giữa lúc ngành xa xỉ đang phải “vật lộn” trong cục diện khó khăn bủa vây khiến lòng tin của khách hàng và công chúng ảnh hưởng đáng kể. Người ta tự hỏi rằng, phía sau những chiếc mác đắt đỏ, những “giấc mộng” xa xỉ được thêu dệt mà hàng triệu người khát khao liệu sẽ còn điều gì bị che lấp?

Hinh anh Không chỉ Loro Piana: Vì sao các thương hiệu xa xỉ hay vấp phải bê bối nhân quyền? 1
Ảnh: Courtesy photo

Vụ việc của Loro Piana

Theo phán quyết dài 26 trang mà Reuters xem xét, Loro Piana sẽ phải chịu sự giám sát của tòa án trong một năm. Phán quyết này bắt nguồn từ cuộc điều tra về hoạt động thầu phụ đối với hàng xa xỉ tại Ý bắt đầu từ năm 2023. Theo Reuters, vụ việc liên quan đến Loro Piana bắt nguồn sau khi cảnh sát Carabinieri thuộc đơn vị bảo vệ lao động Milan bắt giữ một chủ xưởng người Trung Quốc vào tháng 5 và đóng cửa nhà máy của ông này ở vùng ngoại ô phía tây bắc Milan.

Cụ thể, một công nhân đã tố cáo chủ sử dụng lao động đánh anh ta, gây ra những thương tích phải điều trị trong 45 ngày, sau khi công nhân này yêu cầu nhận 10.000 euro (11.692,00 USD) tiền lương chưa trả. Cảnh sát Carabinieri tiếp tục phát hiện xưởng sản xuất áo khoác cashmere mang thương hiệu Loro Piana và 10 công nhân Trung Quốc (bao gồm năm người nhập cư bất hợp pháp), bị buộc phải làm việc tới 90 giờ một tuần, liên tục bảy ngày trong khi chỉ được trả 4 euro một giờ và ngủ trong những căn phòng được dựng lên bất hợp pháp ngay bên trong xưởng.

Tòa án Milan phát hiện ra rằng Loro Piana đã ký hợp đồng sản xuất thông qua hai công ty “bình phong” không có năng lực sản xuất và hai công ty trên chuyển giao công việc cho các xưởng do người Trung Quốc sở hữu tại Ý. Tòa nhận định rằng Loro Piana đã “có lỗi” trong việc giám sát hệ thống, chuỗi cung ứng nhằm theo đuổi lợi nhuận cao hơn. Ngoài việc chịu sự giám sát tư pháp, thương hiệu không mắc phải cuộc điều tra hay cáo buộc hình sự nào.



Vì sao các thương hiệu xa xỉ hay vấp phải bê bối nhân quyền?

Theo Vogue Business, trong nghiên cứu mới từ Trung tâm Tài nguyên Doanh nghiệp và Nhân quyền (BHRRC) năm 2024 đề cập: bất ổn kinh tế, nhu cầu tiêu dùng biến động, cùng với tác động của xung đột và khủng hoảng khí hậu đang góp phần làm gia tăng nguy cơ lao động cưỡng bức. Kết quả nghiên cứu cho thấy các thương hiệu xa xỉ đang không bảo vệ được người lao động trong chuỗi cung ứng của họ.

Theo báo cáo, 27,6 triệu người trên toàn cầu đang phải trải qua tình trạng lao động cưỡng bức. Tổng mức tăng trưởng của 20 công ty may mặc lớn nhất đạt 42 tỷ USD trong năm ngoái, trong khi những người lao động sản xuất sản phẩm của họ (phần lớn là phụ nữ) lại đang bị nợ ít nhất 75 triệu USD tiền lương chưa được trả.

Chuỗi cung ứng phức tạp và thiếu minh bạch

Các thương hiệu xa xỉ có thể không sản xuất tất cả tại nhà máy chính mà để các nhà cung cấp phụ trách một số công đoạn. Việc này tạo ra lớp “công ty bình phong” – như hai công ty mà Loro Piana đã thuê.

Tác giả Victoria Anderson viết trên trang Stern Center: "Khách hàng sẵn sàng trả giá cao để mua sản phẩm mang nhãn hiệu 'Made in Italy'. Nhưng nhiều người không nhận ra là những sản phẩm này thường được sản xuất bởi lao động nhập cư từ Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh và nhiều quốc gia khác ở Châu Phi cận Sahara. Những người lao động này đến Ý với hy vọng kiếm thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống nhưng họ thường dễ bị bóc lột do luật nhập cư và lao động phân biệt đối xử".
Hinh anh Không chỉ Loro Piana: Vì sao các thương hiệu xa xỉ hay vấp phải bê bối nhân quyền? 2
Ảnh: Getty Images

Chạy theo lợi nhuận và giảm chi phí

Theo Reuters, một xưởng sản xuất 6.000–7.000 áo/năm cho Loro Piana với giá 118 euro mỗi chiếc (nếu đơn hàng trên 100 mặt hàng) và 128 euro (nếu đơn hàng có dưới 100 mặt hàng), trong khi sản phẩm bán lẻ có giá từ 3.000 - 5.000 euro - một mức chênh lệch to lớn khiến nhiều người kinh ngạc.

“Việc thuê ngoài toàn bộ các quy trình sản xuất công nghiệp chỉ nhằm mục đích giảm chi phí lao động và do đó, giảm trách nhiệm hình sự và hành chính của công ty liên quan đến an toàn lao động... Tất cả những điều này được thực hiện nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận với chi phí sản xuất thấp nhất có thể", Tòa án Milan cho biết.

Một trường hợp khác tương tự là nhà mốt Dior. Trong khi quảng bá hình ảnh về những sản phẩm chất lượng cao và được chế tác tinh xảo, nhiều thương hiệu cao cấp lại thường không chia sẻ thành quả từ doanh số khổng lồ của mình với những người trực tiếp làm ra sản phẩm. Điều này càng vô lý nếu xét đến mức giá “trên trời” của các mặt hàng xa xỉ như Dior. Theo cuộc điều tra tại Ý, một chiếc túi xách Dior được bán với giá 2.700 USD chỉ tốn khoảng 56 USD để sản xuất. Điều đó đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận gộp của công ty lên tới 98% – một sự chênh lệch quá mức, xuất phát từ việc các thương hiệu như Dior phụ thuộc vào các nhà thầu và thầu phụ địa phương, vốn sử dụng lao động nhập cư bị trả lương rẻ mạt để sản xuất sản phẩm, theo tác giả Victoria Anderson.

Hinh anh Không chỉ Loro Piana: Vì sao các thương hiệu xa xỉ hay vấp phải bê bối nhân quyền? 3

Áine Clarke, giám đốc KnowTheChain và chiến lược đầu tư tại BHRRC cho biết: “Cho đến gần đây, trách nhiệm giải trình của các công ty đối với vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng vẫn còn rất thiếu sót. Các công ty thường quyết định tìm nguồn cung ứng từ những quốc gia có mức lương thấp, luật lao động lỏng lẻo và cơ cấu ngành nghề bao gồm lao động phi chính thức, bấp bênh hoặc lao động nặng nhọc. Những yếu tố này mang lại lợi ích cho lợi nhuận của công ty, trong khi các rủi ro liên quan đến bóc lột lao động lại bị đẩy ra ngoài – tức là các công ty không cảm thấy bắt buộc phải tính đến chúng”.

Thiếu kiểm tra và giám sát thực tế

Một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến các thương hiệu xa xỉ vướng vào bê bối nhân quyền là sự thiếu vắng hoặc quản lý lỏng lẻo của các cơ chế kiểm tra và giám sát thực tế trong chuỗi cung ứng. Nhiều thương hiệu không kiểm soát đến các nơi diễn ra hoạt động sản xuất thực tế, dẫn đến các lỗ hổng. Việc thiếu các hệ thống cảnh báo sớm và phản hồi từ phía người lao động cũng khiến các vi phạm diễn ra âm thầm, khó bị phát hiện cho đến khi có điều tra từ cơ quan pháp luật hoặc truyền thông.

Hinh anh Không chỉ Loro Piana: Vì sao các thương hiệu xa xỉ hay vấp phải bê bối nhân quyền? 4
Ảnh: Michael Buckner/WWD

Những lùm xùm thời gian vừa qua liên quan đến vấn đề nhân quyền khiến công chúng lần nữa phải suy nghĩ lại về khái niệm xa xỉ. Mâu thuẫn giữa hình ảnh hoàn hảo không tì vết của xa xỉ phẩm với hàng giờ lao động cưỡng bức, giữa giá cả đắt đỏ của một chiếc áo khoác hay chiếc túi và đồng lương ít ỏi của người lao động. Là “Quiet luxury” hay quiet (ly) (exploiting workers) luxury như những gì công chúng nhận xét?


Theo Reuters, Stern Center for Business and Human Rights, Vogue Business


TÀI TRỢ

Bài viết liên quan

TÀI TRỢ