Báo cáo tài chính H1/2025 của LVMH phản ánh rõ sức ép ngày càng lớn trên toàn ngành xa xỉ, khi ngay cả “ông lớn” này cũng chật vật tìm đường phục hồi.
Sức ép đối với ngành hàng xa xỉ có thể còn gia tăng nếu Liên minh châu Âu không sớm hạ nhiệt căng thẳng thương mại với Mỹ, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ nhiều đối tác. Để ứng phó, LVMH đã tích cực vận động hành lang tại cả Brussels và Washington.
Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal hôm thứ Năm, Chủ tịch Bernard Arnault tuyên bố sẽ mở nhà máy Louis Vuitton thứ hai tại Texas – động thái thể hiện sự ủng hộ với ngành sản xuất nội địa Mỹ, một trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của Trump. Theo Giám đốc tài chính Cécile Cabanis, EU và Mỹ dường như đang tiến gần đến một thỏa thuận: mức thuế chung 15% thay vì 30% như lời cảnh báo từ Trump – sẽ là tín hiệu tích cực đối với tâm lý tiêu dùng của khách hàng LVMH.
Đọc thêm: LVMH công bố báo cáo H1/2025: Louis Vuitton gồng gánh kỳ vọng giữa áp lực từ Trung Quốc
LVMH chật vật phục hồi giữa cơn suy thoái
Doanh số ở mảng cốt lõi là Thời trang và Đồ da bao gồm thương hiệu chủ lực Louis Vuitton đã giảm 9% trong quý gần II, thấp hơn dự báo của các nhà phân tích, khi “ông lớn” sở hữu Louis Vuitton và Dior vật lộn để phục hồi sau đợt suy thoái ngày càng sâu rộng của ngành hàng xa xỉ.
Tổng doanh thu của tập đoàn giảm 4%, sau khi đã giảm 3% trong quý trước. Mảng bán lẻ (Retail) được thúc đẩy bởi Sephora tăng 4%, trong khi mảng Làm đẹp tăng nhẹ 1% và đồng hồ cùng trang sức giữ nguyên. Doanh thu đồ uống tiếp tục giảm, tuy chậm lại, chỉ giảm 4% so với mức giảm 9% của quý trước.

Lợi nhuận nửa đầu năm giảm 15%, còn 9,01 tỷ euro. Các nỗ lực nhằm duy trì biên lợi nhuận bao gồm việc thắt chặt chi phí, trong đó có việc xem xét kỹ ngân sách tổ chức show thời trang để cắt bỏ các khoản chi không đóng góp vào sáng tạo hoặc trải nghiệm khách hàng theo Giám đốc tài chính Cécile Cabanis.
Đọc thêm: Dior và Louis Vuitton hạ cánh tại sân bay hàng đầu Milan
Sau thời kỳ tăng trưởng mạnh hậu COVID-19, LVMH đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ tăng trưởng kinh tế chậm lại đặc biệt ở thị trường chủ lực Trung Quốc. Khách hàng cũng phản ứng tiêu cực với việc tăng giá mạnh và tỏ ra mệt mỏi với những món đồ "branded" khổng lồ, chuyển hướng sang các thương hiệu tinh tế hơn, tập trung vào thủ công như Hermès, hoặc các thương hiệu xa xỉ ngách đang thịnh hành như Miu Miu.
“LVMH đã thể hiện khả năng chống chịu tốt và duy trì đà đổi mới mạnh mẽ bất chấp môi trường kinh tế - địa chính trị đầy biến động”, tập đoàn cho biết trong thông cáo.
Những thách thức toàn tập đoàn
LVMH đang bị giám sát chặt chẽ trong thời gian gần đây khi các khó khăn diễn ra đồng thời ở nhiều mảng chính, đặt ra câu hỏi về mô hình tập đoàn khổng lồ đa ngành của họ. Sự sụt giảm doanh số của mảng thời trang và đồ da – trụ cột là Louis Vuitton là vấn đề cấp thiết nhất. Ngoài ra, còn có:
- Tình trạng trì trệ ở mảng đồ uống Moët Hennessy.
- Doanh số yếu tại chuỗi miễn thuế DFS.
- Và sự suy thoái của thị trường đồng hồ Thụy Sĩ, nơi chỉ những thương hiệu lớn và quyền lực nhất mới trụ vững.

LVMH vốn từ lâu được ca ngợi về sự xuất sắc trong vận hành và khả năng mở rộng bất khả chiến bại giờ đang hứng chịu làn sóng tin xấu: rò rỉ dữ liệu ở Louis Vuitton và Dior, lạm dụng lao động trong chuỗi cung ứng của Loro Piana, sa thải nhân sự và văn hóa làm việc độc hại tại Moët Hennessy.
Cổ phiếu LVMH đã giảm 26% từ đầu năm, và hiện đã bị Hermès vượt qua về vốn hóa.
Khi Chủ tịch Bernard Arnault đang chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực giữa bối cảnh khó khăn, một số nhà phân tích đã đề xuất rằng tập đoàn nên tách hoặc bán những mảng hoạt động không hiệu quả nhằm đơn giản hóa cấu trúc. Trong cuộc gọi nhà đầu tư hôm thứ Năm, một nhà phân tích đặt câu hỏi liệu LVMH sẽ tiếp tục mở rộng hay thu hẹp danh mục thương hiệu trong những năm tới. “Còn tùy vào cơ hội. Chúng tôi sẽ không bỏ lỡ các cơ hội tốt, nhưng cũng sẽ không giữ lại những thương hiệu nếu thấy chúng không còn phù hợp hoặc chúng tôi không phải là đơn vị vận hành phù hợp”, bà Cabanis trả lời.
Tập trung trở lại vào Louis Vuitton
Trong khi LVMH đang tiến hành tái cấu trúc những đơn vị yếu từ việc bổ nhiệm giám đốc sáng tạo mới cho Dior, thay đổi ban lãnh đạo tại Moët Hennessy, đến chuyển quyền quản lý cửa hàng thua lỗ La Samaritaine từ DFS về tay Le Bon Marché - giới đầu tư giờ đây hướng sự quan tâm trở lại với Louis Vuitton, thương hiệu lớn nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất cho tập đoàn.

Theo Giám đốc tài chính Cécile Cabanis, doanh số của Louis Vuitton vẫn sụt giảm nhưng mức giảm nhẹ hơn trung bình toàn tập đoàn. Dù vậy, chiến lược cốt lõi của thương hiệu vẫn không thay đổi: liên tục nâng tầm sản phẩm túi xách và mở rộng sang các danh mục mới để kết nối với thế hệ khách hàng khát khao trải nghiệm xa xỉ.
Louis Vuitton đang tập trung phát triển các thiết kế tinh xảo hơn, chất lượng cao hơn – những sản phẩm thực sự đáng khao khát. Đồng thời, thương hiệu cũng tìm cách tiếp cận thế hệ trẻ thông qua những dòng sản phẩm phù hợp nhưng không bằng cách ‘giảm cấp’, mà là tận dụng sức mạnh thương hiệu, DNA và độ hấp dẫn vốn có của Vuitton để mở rộng sang những phân khúc dễ tiếp cận hơn, bà Cabanis chia sẻ.
Về chiến lược truyền thông và xây dựng hình ảnh, Louis Vuitton vẫn duy trì triết lý “làm những điều không ai làm được” – như việc mở cửa hàng flagship mới tại Thượng Hải mang tên The Louis, được thiết kế theo hình dáng một con tàu hơi nước, vừa khai trương vào tháng trước.