Runway Việt hôm nay đã khác: ít hoa mỹ, nhiều cấu trúc; ít phô trương, nhiều kiểm soát; ít chạy theo trend, nhiều phản ánh cá tính thương hiệu. Và chính sự trưởng thành đó, chứ không phải chiêu trò viral, mới là điều khiến thời trang Việt xứng đáng có mặt trên bản đồ quốc tế.
Từ chối những buổi trình diễn tự phát sơ sài hay cách thức trình diễn đầy tính drama, sàn runway thời trang Việt Nam đang chứng kiến một cuộc chuyển mình mạnh mẽ. Ngày càng nhiều show diễn được tổ chức công phu, mang đậm tính nghệ thuật với tiêu chuẩn trình diễn cao. Các thương hiệu nội địa giờ đây tự tin tạo sân chơi riêng, dám đặt ra những chuẩn mực mới tiệm cận với tinh thần quốc tế hóa. Dưới đây, chúng ta hãy nhìn lại 4 sự kiện runway nổi bật gần đây – nơi thời trang Việt thăng hoa trong những không gian trình diễn độc đáo và giàu cảm xúc
Đọc thêm: Năm 2025 và thời hoàng kim của fashion show Việt được “sống dậy”

Gia Studios: Tinh tế tối giản trong không gian Salon
Gia Studios của nhà thiết kế Lâm Gia Khang đã đem đến một luồng gió mới cho sàn diễn Việt bằng sự tối giản đầy tinh tế. Show Xuân-Hè 2025 mang tên “Le Salon” được tổ chức tại khách sạn Park Hyatt Sài Gòn trong không gian Pool House sang trọng, nhưng lại vô cùng ấm cúng và gần gũi.
Khác hẳn với kiểu runway thông thường, Le Salon được dàn dựng như một buổi trình diễn salon cổ điển: không sử dụng spotlight chói lóa, không dựng sàn catwalk cao.
Tất cả diễn ra trong ánh chiều tự nhiên nhẹ nhàng của một ngày giữa tuần, tạo cảm giác thư thái “nhẹ như hơi thở. Không gian thân mật với khách mời ngồi gần sàn diễn, trên những chiếc ghế Series 7 (Arne Jacobsen) – lựa chọn mang ý nghĩa thị giác cao, khẳng định sự kiểm soát không gian đến từng chi tiết.

Cách dàn dựng này gợi liên tưởng đến những buổi trình diễn haute couture kín đáo nhưng đầy uy lực của Chanel tại Rue Cambon hay Jil Sander trong các không gian gallery tối giản, nơi runway không còn chỉ là một con đường trình diễn, mà là nhịp cầu giao thoa giữa thời trang, không gian, thời gian và ký ức cá nhân.
Trong trường hợp của Gia Studios, điều đó không chỉ mang lại cảm giác thanh lịch đầy chất điện ảnh, mà còn phản ánh một quyết định đầy tính cá nhân và biểu tượng: lựa chọn địa điểm nơi Khang bắt đầu sự nghiệp từ 10 năm trước như một cách khép lại vòng tròn thời gian và mở ra chương mới: trưởng thành, kín đáo và giàu nội lực. Một mô hình tổ chức vừa quốc tế về chất lượng trải nghiệm, vừa bản địa ở chất liệu cảm xúc – nơi người xem không bị choáng ngợp, mà được mời gọi để quan sát chậm, nhìn kỹ, và thực sự cảm.

Ở Le Salon, Gia Studios trình làng 50 thiết kế mới, nơi từng chi tiết và chất liệu được tôn vinh tuyệt đối. Sự tối giản hiện hữu trong từng đường cắt, bảng màu trung tính và phom dáng thanh lịch, đúng như DNA của thương hiệu. Việc loại bỏ mọi yếu tố phô trương giúp khán giả “lắng nghe” được câu chuyện mà trang phục kể lại: tiếng nói của chất liệu cao cấp, kỹ thuật may đo thủ công và tinh thần tinh tế đằng sau mỗi bộ đồ. Buổi diễn như một cuộc đối thoại thì thầm giữa nhà thiết kế và người xem, tạo nên trải nghiệm thời trang đậm chất nghệ thuật.

Fancì Club: Táo bạo và thăng hoa trên sân khấu “Re-naked”
Nếu Gia Studios chọn sự tĩnh lặng, thì Fancì Club lại khiến giới mộ điệu choáng ngợp bằng một bữa tiệc thị giác mãn nhãn – sự kiện được ví như “đánh thức” cả thành phố Sài Gòn vốn u ám mùa mưa hôm đó. Là màn ra mắt runway đầu tiên của Fancì Club, họ đã chứng tỏ tầm vóc “thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế” bằng một show diễn hoành tráng hiếm thấy.
Không khí sự kiện chẳng khác gì một show thời trang quốc tế thực thụ: địa điểm trên tầng 25 tòa nhà trung tâm với phông nền là đường chân trời Sài Gòn về đêm, khán giả danh tiếng ngồi front-row và hàng chục người mẫu sải bước trong âm nhạc sôi động.
Ánh sáng và âm nhạc là hai yếu tố chủ đạo làm nên sức nặng thị giác cho "Re-naked". Khi sàn diễn được đặt giữa lòng Sài Gòn về đêm trở thành phông nền khổng lồ đầy sống động cho từng bước catwalk. Ánh đèn đánh từ phía sau xuyên qua lớp vải xuyên thấu, corset mỏng và satin ánh nude, tạo nên những lớp bóng – sáng đan xen lên cơ thể người mẫu. Không gian như một canvas ánh sáng nơi mỗi bộ trang phục chính là trung tâm chiếu rọi, và cơ thể người mặc trở thành chất liệu biểu đạt chính. Âm nhạc dark pop gợi cảm, trầm, đều, vang làm dậy sóng một thứ năng lượng vừa hiện đại, vừa có chiều sâu. Nhạc nền không đơn thuần là nền phụ – mà là cỗ máy dẫn nhịp cảm xúc cho khán giả: đẩy tiết tấu, giữ nhịp ánh nhìn, nâng bước chân người mẫu.

Sự hòa quyện của ánh sáng – âm nhạc – background thành phố tạo nên một "buồng trình diễn" vừa điện ảnh, vừa gợi cảm, đồng thời cực kỳ giàu tính biểu tượng. Concept "Re-naked" là ý niệm về việc lột bỏ lớp che đậy, trở về với bản ngã nguyên bản được khắc họa không lời, chỉ bằng cách ánh sáng trượt qua cơ thể và nhạc nền nhấn vào những khúc chuyển cảnh. Show không cần tuyên ngôn bằng lời, vì chính staging đã làm điều đó. Fancì Club đã đặt tiêu chuẩn mới cho các show nội địa từ quy mô, chất lượng đến chiều sâu thông điệp và chứng minh rằng thời trang Việt hoàn toàn có thể tiệm cận đẳng cấp quốc tế nếu có đủ đam mê và sự chuyên nghiệp.

Rue Miche: “Orbit” – Đa vũ trụ sáng tạo kết nối thương hiệu nội địa
Không chỉ các nhà thiết kế cá nhân, một xu hướng đáng chú ý khác là các tổ chức thời trang độc lập tại Việt Nam cũng bắt đầu tự tổ chức những sân chơi đẳng cấp của riêng mình. Rue Miche Runway 2025 “Orbit” không chỉ là một buổi trình diễn thời trang, mà là một không gian thị giác đa tầng được dàn dựng với tinh thần tổng thể. Đây là tổ hợp của nhiều thương hiệu cùng tham gia, nhưng cách Rue Miche xây dựng sân khấu đã giúp từng bộ sưu tập trở nên liền mạch và hòa quyện với nhau.

Đúng với tên gọi “Orbit” (quỹ đạo), concept chương trình ẩn chứa hình ảnh về lực hấp dẫn vô hình kết nối các cá thể sáng tạo độc lập lại với nhau. Sàn diễn được dàn dựng như một không gian đa giác quan, nơi ánh sáng, âm thanh, cấu trúc sân khấu, công nghệ và nghệ thuật thị giác đều hòa quyện, chuyển động nhịp nhàng theo một tiết tấu thẩm mỹ riêng.
Nói cách khác, Orbit không đơn thuần là một show diễn thời trang mà là một installation art thực thụ, nơi khán giả được đắm chìm trong thế giới quan mà Rue Miche tạo ra. Mỗi thương hiệu local tham gia là một “tiểu hành tinh” với cá tính riêng biệt, cùng chuyển động quanh tâm điểm là tinh thần chung của cộng đồng thời trang Việt.
Rue Miche đã khéo léo tạo ra một không gian kết nối các hệ thẩm mỹ khác nhau – nơi streetwear phá cách có thể sóng đôi cùng thiết kế haute couture, nơi phụ kiện handmade đứng cạnh trang phục avant-garde.

Điểm nổi bật nhất là ánh sáng: được điều khiển như một dòng chảy sống động, ánh đèn chuyển động mềm mại, quét qua từng thiết kế khiến chất liệu như lụa, satin, vải xuyên thấu trở nên linh hoạt và có chiều sâu. Khi một người mẫu bước ra trong thiết kế váy cổ chữ V dáng xòe của thương hiệu Jellyfish, ánh đèn vàng rọi từ phía trên làm nổi bật lớp vải ánh kim mờ, tạo cảm giác ấm áp và mộng mị. Chỉ vài bước sau, ánh đèn chuyển sang ánh xanh lam lạnh, biến chiếc váy thành một vật thể mới có phần xa cách, siêu thực, gần như tách biệt với cơ thể thật. Hiệu ứng tương tự xảy ra với thiết kế layering táo bạo của Back To A$troworld: chất liệu plastic trong suốt và vải lưới như được "lập thể hoá" khi ánh đèn đổi hướng, chiếu nghiêng từ mặt sàn lên thân áo, làm bật các chi tiết cắt xẻ và đường may zig-zag.
Âm nhạc cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc xây dựng không khí trình diễn. Hệ thống âm thanh đa điểm giúp âm nhạc không chỉ đến từ phía trước sân khấu, mà lan tỏa đều khắp không gian, khiến người xem có cảm giác như đang đứng giữa một nhịp điệu lớn bao trùm. Giai điệu điện tử tiết chế, đôi lúc nhấn nhá bằng tiếng bass nhẹ hoặc nhạc cụ điện ảnh, dẫn dắt cảm xúc theo từng phân đoạn. Khi ánh sáng – âm thanh và thời điểm catwalk giao thoa, từng bộ đồ như bước ra khỏi mặt đất và đi vào một không gian giàu chất liệu điện ảnh, không còn là quần áo mà là cảm xúc được mặc lên người.
DEPA: Bản lĩnh thế hệ mới từ giá trị nguyên bản
DEPA Fashion Show 2025 tại Nhà hát Capital không đơn thuần là một sự kiện trình diễn, mà là cột mốc đánh dấu một chương mới trong cách thế hệ nhà thiết kế trẻ Việt Nam suy nghĩ về thời trang, không gian và bản sắc. Đây là show diễn đầu tiên của DEPA – liên minh gồm 5 nhà thiết kế độc lập có cùng chí hướng phát triển thời trang bền vững và nguyên bản. Họ không chỉ chia sẻ sân khấu, mà còn cùng chia sẻ tinh thần: làm nghề tử tế, tôn trọng tính thủ công, coi thiết kế như một hình thức đối thoại văn hóa.
Việc chọn Nhà hát Capital – địa điểm mang tính biểu tượng của kiến trúc và nghệ thuật Sài Gòn cho thấy mong muốn đặt thời trang vào đúng vị trí của nó: một ngành công nghiệp sáng tạo có chiều sâu văn hóa. Sự lựa chọn này không cầu kỳ về bề nổi, nhưng đầy chủ đích về giá trị.

Về khía cạnh trình diễn, DEPA Fashion Show 2025 có thể không hào nhoáng như Fancì Club hay đông đảo như Orbit, nhưng lại gây ấn tượng bởi chiều sâu và sự chân thành. Không chọn hình thức staging phức tạp, DEPA giữ nguyên kết cấu của không gian nhà hát – vốn dĩ mang trong mình sự cổ kính và trang trọng để làm nền cho các bộ sưu tập được tỏa sáng. Ánh sáng tại đây không giật gân, không dồn dập mà như ánh mắt dịu nhẹ của người xem đang ngắm từng lớp vải chuyển động dưới mái vòm cổ điển. Không gian sân khấu tối vừa đủ, ánh đèn vàng ấm rọi vào thân váy linen, suit phi giới tính hay các chất liệu có cấu trúc nhẹ, làm bật chất vải, không màu mè nhưng đầy kịch tính nội tâm.
Đọc thêm: SR DIGITAL COVER 2ND ISSUE: THE FOUNDER GANG - DEPA
Khi thiết kế của Duc Studio bước ra với những phom dáng được điêu khắc từ vải dày dựng form, ánh sáng rọi từ ngang sườn khiến từng nếp gấp trở thành một cấu trúc sống. Trong phần trình diễn của T-redx, khoảnh khắc người mẫu bước ra với thiết kế được xử lý bề mặt đặc biệt và ngay trên sân khấu, một lớp vải đã được đốt cháy có kiểm soát, làm lộ ra các họa tiết thêu tay bên dưới là một điểm nhấn ngoạn mục cả về thị giác lẫn kỹ thuật. Hành động ấy không chỉ là một cú twist sân khấu, mà còn là phần mở rộng của câu chuyện chất liệu và chủ đích thiết kế: khi lớp ngoài bị phá bỏ, vẻ đẹp thật sự mới xuất hiện. Đây là ví dụ điển hình cho việc staging không chỉ tôn trang phục, mà còn làm nổi bật tư duy sáng tạo và xử lý vải công phu của nhà thiết kế.

Hợp tác cùng Ka Concept, DEPA chủ động sử dụng mùi hương như một phần của staging. Ngay khi buổi diễn bắt đầu, một làn hương gỗ trầm dịu nhẹ được khuếch tán khắp khán phòng không rõ rệt như một loại nước hoa, mà là một lớp nền cảm xúc giúp định hình không khí trình diễn. Mùi hương ấy không chỉ gợi nhắc đến chất liệu thủ công và chiều sâu văn hóa, mà còn tạo nên một không gian đa giác quan: nơi khán giả không chỉ nhìn mà còn cảm bằng khứu giác.

Điều đáng nói là, không một nhà thiết kế nào trong show phải “gào thét” cá tính để gây chú ý. Họ để quần áo lên tiếng. Cách dàn dựng show không cầu kỳ, nhưng chăm chút trong từng chi tiết từ bố cục ánh sáng, âm thanh, điểm rơi chuyển cảnh cho thấy một thế hệ nhà thiết kế Việt đang làm nghề một cách chín chắn, bình thản, nhưng đầy tinh tế. DEPA không tạo ra một sân khấu để làm mãn nhãn người xem bằng chiêu trò, mà kiến tạo một không gian đủ yên tĩnh để người ta nhìn và thật sự nhìn vào thứ quan trọng nhất: thời trang.
Đọc thêm: Thời trang Việt nửa đầu 2025: Bản phối lưng chừng của tự hào và tiếc nuối
Tương Lai Bền Vững Của Thời Trang Việt
Nhìn tổng thể, những gì đang diễn ra trên sàn runway Việt Nam báo hiệu tương lai hứa hẹn cho ngành thời trang nước nhà. Từ các thương hiệu cá nhân như Gia Studios, Fancì Club đến những tổ chức, cộng đồng như Rue Miche và DEPA, tất cả đều đang tự nâng tầm với những show diễn chất lượng cao.
Điểm chung ở họ là sự dấn thân nghiêm túc và tinh thần tự lực: không chờ đợi ai mang cơ hội đến, chính các thương hiệu đã chủ động tạo ra sân khấu cho riêng mình và đồng nghiệp.
Việc các nhà thiết kế nội địa mạnh dạn đầu tư vào concept, sản xuất và thông điệp cho show diễn cho thấy họ ý thức rằng runway chính là bộ mặt của thương hiệu.
Và khi bộ mặt đó được chăm chút chỉn chu, nghệ thuật và đẳng cấp, thời trang Việt sẽ tạo dựng được niềm tin không chỉ với khán giả trong nước mà cả bạn bè quốc tế.

Quan trọng hơn, xu hướng này còn mang ý nghĩa về phát triển bền vững cho ngành công nghiệp thời trang nội địa. Thay vì phụ thuộc vào các sự kiện thời trang quốc tế hay đợi chờ sự công nhận từ bên ngoài, giờ đây các thương hiệu Việt tự đứng lên tổ chức show, tự đặt ra tiêu chuẩn cao cho mình và tuân thủ chúng.
Điều đó xây dựng một hệ sinh thái thời trang tự chủ – nơi các nhà thiết kế, người mẫu, đạo diễn catwalk, âm thanh, ánh sáng… đều cùng trưởng thành qua mỗi sự kiện. Những sân chơi như DEPA hay Orbit còn tạo cơ hội liên kết nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm giữa nhiều thương hiệu, từ đó cộng đồng cùng tiến bộ. Về lâu dài, chính sự chuyên nghiệp hóa và tự chủ này sẽ là bệ phóng vững chắc để thời trang Việt vươn ra quốc tế một cách tự tin và có bản sắc.

Tất nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Nhưng qua mỗi show diễn thành công, uy tín của thời trang Việt lại được củng cố. Không quá lời khi nói rằng chúng ta đang chứng kiến một thế hệ vàng mới của làng mốt Việt – những người dám mơ lớn và hành động quyết liệt để hiện thực hóa giấc mơ đó. Sàn runway Việt Nam hôm nay đã khác xưa rất nhiều: nghệ thuật hơn, chuyên nghiệp hơn và gần với thế giới hơn bao giờ hết.