Tìm kiếm

Newsletter image

Subscribe to the Newsletter

Join 10k+ people to get notified about new posts, news and tips.

Do not worry we don't spam!

TÀI TRỢ
TÀI TRỢ

Thời trang thời chiến: Những năm 1940 giữa gió thép và giấc mơ phục hưng

Bị vây chặt bởi chiến tranh và thiếu thốn, thời trang thập niên 1940 dường như chỉ còn là một công cụ sinh tồn. Nhưng chính trong giai đoạn ngặt nghèo ấy, vẻ đẹp vẫn kiên định tìm đường sống sót trong những thiết kế chống chọi và cuối cùng là sự trở lại ngoạn mục của “New Look” của Dior.

Giữa tiếng còi báo động và bóng đen chiến tranh lan khắp châu Âu, mọi thứ từng gắn liền với sự xa hoa đều lặng lẽ rút lui. Paris bị chiếm đóng, các nhà mốt lặng thinh dưới những mệnh lệnh gắt gao. Ở Anh và Mỹ, tem phiếu thay thế tiền tệ, vải vóc trở thành tài nguyên chiến lược, và quân phục gần như trở thành đồng phục thường nhật.

Thế nhưng ngay cả khi thế giới buộc phải sống với sự giản lược đến tột cùng, thời trang vẫn tìm được cách tồn tại, đôi khi là một chiếc váy may từ bản đồ quân sự, một chiếc khăn in khẩu hiệu yêu nước, hay thỏi son đỏ được xem như vũ khí tinh thần. Trong khung cảnh ấy, cái đẹp không biến mất. Nó chỉ tạm ẩn mình, chờ ngày được hồi sinh. Và khi quay trở lại, nó đã làm cả thế giới ngỡ ngàng.

Đọc thêm: Lịch sử chăm sóc tóc qua các thời kỳ

Trang phục thời chiến: Khi cái đẹp phải học cách thích nghi

Thập niên 1940s mở đầu như một cuộn phim nhuộm xám: khói bom, những đoàn người di tản, các nhà xưởng dệt may được chuyển đổi thành nơi sản xuất dù và áo lính.

Hinh anh Đọc thêm: 1
Thời trang thập niên 1940s buộc phải học cách tồn tại trong giới hạn. Nguồn: IWM

Khi quân Đức tiến vào thủ đô thời trang Paris vào tháng 6/1940, không chỉ lãnh thổ mà cả ngành công nghiệp may mặc cũng bị phong tỏa. Một số nhà thiết kế rời đi, nhưng nhiều người khác như Jeanne Lanvin hay Lucien Lelong vẫn ở lại, tìm cách sáng tạo từ khan hiếm: vải rèm được cắt lại thành đầm, áo choàng lông biến thành gối tựa. Các thiết kế trở nên nội tâm và gần như mang tính biểu tượng để giữ lấy phẩm giá Paris.

Hinh anh Đọc thêm: 2
Thời trang Paris giữa Thế Chiến II tạm cất đi vẻ hoa lệ
Hinh anh Đọc thêm: 3
Thời trang Paris giữa Thế Chiến II tạm cất đi vẻ hoa lệ


Hinh anh Đọc thêm: 4
Thời trang Paris giữa Thế Chiến II tạm cất đi vẻ hoa lệ

Nhà sử học Dominique Veillon từng viết: “Thời trang ở Paris không chết trong chiến tranh. Nó lặng lẽ trốn vào các chi tiết". Quả thực, dù không còn hào nhoáng, thời trang Pháp vẫn gợi cảm một cách kiên cường: những chiếc váy bồng xòe, váy cưới có đệm từ giấy lụa hoặc ren tái chế vẫn thấp thoáng trong các lễ cưới thời chiến, như nung nấu về một Paris không bao giờ chịu khuất phục.

Ngược lại, tại London, chính phủ Anh xem thời trang là công cụ chiến lược. Năm 1941, sáng kiến “Utility Clothing Scheme” ra đời, quy định số lượng cúc, chiều dài váy, thậm chí cả độ dày của ve áo. Nhờ có sự tham gia của các nhà thiết kế thuộc Inc. Soc. như Norman Hartnell, Hardy Amies, Edward Molyneux, các bộ suit nữ giới vẫn giữ được đường cắt thanh thoát: vai độn vừa đủ, eo ôm sát, váy dài quá gối – đúng như James Laver mô tả trong Costume and Fashion: A Concise History: “Simple yet refined, austere yet dignified” ("Giản dị nhưng tinh tế, khắc khổ nhưng đầy phẩm cách").

Hinh anh Đọc thêm: 5
Sáng kiến “Utility Clothing Scheme” trong thời trang Anh giới hạn về quy định trang phục
Hinh anh Đọc thêm: 6
Sáng kiến “Utility Clothing Scheme” trong thời trang Anh giới hạn về các quy định trang phục

Không gian hậu cần của chiến tranh lại vô tình trở thành bệ phóng cho thời trang Mỹ. New York tận dụng cơ hội để khẳng định mình qua dòng ready-to-wear. Claire McCardell, “nữ anh hùng mặc denim”, nổi lên với triết lý: mặc đẹp không cần hy sinh sự tự do. Khi len và lụa bị hạn chế, bà tìm đến jersey, seersucker, denim. Váy “Popover” được Claire cho ra mắt năm 1942 – một thiết kế wrap đơn giản đi kèm... găng tay lò nướng, bán được hàng trăm nghìn chiếc và trở thành biểu tượng của sự tháo vát.

Hinh anh Đọc thêm: 7
Popover Dress. Nguồn: The Metropolitan Museum of Art
Hinh anh Đọc thêm: 8
Popover Dress. Nguồn: The Metropolitan Museum of Art
Hinh anh Đọc thêm: 9
Bản vẽ thiết kế gốc của Popover Dress

Trong một buổi phỏng vấn năm 1945, McCardell từng nói: “Tôi thiết kế cho người phụ nữ không có người hầu nhưng vẫn muốn cảm thấy đặc biệt”. Chính tinh thần thực tế, năng động, không phụ thuộc đã khiến phong cách của McCardell trở thành “đồng phục” cho phụ nữ Mỹ thời chiến và hậu chiến.

Quân phục trở thành đồng phục: Một thời kỳ không suit

Thập niên 1940 không có chỗ cho những quý ông dạo bước trong bộ suit ba mảnh chỉn chu. Phần lớn đàn ông khoác lên mình quân phục như thể thời trang đã được mã hóa thành ký hiệu của nghĩa vụ và kỷ luật. Trên đường phố, bóng dáng vest lui vào hậu cảnh - một thứ xa xỉ bị dồn vào góc tủ khi quốc gia cần gấp đồng phục, dù là ở tiền tuyến hay hậu phương.

Hinh anh Đọc thêm: 10
Trên đường phố, bóng dáng vest lui vào hậu cảnh, nhường chỗ cho quân phục

Chính phủ các nước Đồng minh không chỉ kiểm soát nhiên liệu hay thực phẩm mà còn can thiệp vào ve áo, hàng cúc và chiều dài gấu quần. “Đẹp nhưng không hoang phí” trở thành triết lý mặc thời chiến. Theo nhà nghiên cứu lịch sử trang phục Jayne Shrimpton, các quy định của Hội đồng Sản xuất Chiến tranh (Mỹ) hay Hội đồng Thời trang Tiện dụng (Anh) đã buộc mọi loại vest phải “gọt giũa” để tiết kiệm từng centimet vải. Ve áo hẹp, vai áo giản lược, túi áo dẹp bỏ – vest thời chiến là bài học về chức năng hóa thời trang.

Hinh anh Đọc thêm: 11
Chiến trang buộc mọi loại vest phải “gọt giũa” để tiết kiệm từng centimet vải

Zoot Suit - Biểu tượng kháng cự của cộng đồng thiểu số

Thế nhưng, giữa bức tranh trầm mặc ấy, năm 1943 lóe lên điểm sáng ngổ ngáo: Zoot Suit. Với áo khoác rộng phồng quá khổ, quần ống thụng bó sát cổ chân và cà vạt bản lớn, Zoot Suit là lời tuyên ngôn thời trang của tầng lớp thiểu số – đặc biệt là thanh niên Mỹ gốc Mexico và người Mỹ gốc Phi. “Phong cách ấy phô trương, nhưng là sự phô trương cần thiết để khẳng định danh tính trong xã hội không muốn nhìn thấy họ”, nhà phê bình thời trang Tanisha C. Ford nhận định trong Liberated Threads.

Hinh anh Đọc thêm: 12
Zoot suit là lời tuyên ngôn thời trang của tầng lớp thiểu số

Trong mắt chính quyền, sự lãng phí vải vóc giữa lúc cả nước thắt lưng buộc bụng là hành vi phản cảm. Nhưng với những người mặc nó, đó là quyền được hiện diện. Duke Ellington – một trong những nhạc trưởng vĩ đại nhất của kỷ nguyên swing từng nói về Zoot Suit: “It’s not just a style. It’s a stance”. Căng thẳng dâng cao vào mùa hè 1943, khi các vụ bạo loạn Zoot Suit bùng nổ ở Los Angeles: lính Mỹ hành hung những người mặc trang phục này như một hành động "thanh trừng thẩm mỹ".

Hinh anh Đọc thêm: 13
Sau chiến tranh, tinh thần zoot chuyển sinh vào những chiếc vest vai rộng, quần ống rộng, cà vạt to bản

Sau chiến tranh, tinh thần Zoot Suit chuyển sinh vào những chiếc vest vai rộng, quần ống rộng, cà vạt to bản trở thành tuyên ngôn cho một thế hệ đàn ông mới, muốn sống lớn, mặc lớn. Tại Anh, các cựu binh được phát “demob suit” – bộ vest tiễn họ trở lại đời thường nhưng giới trẻ nhanh chóng quay lưng với phom dáng cũ kỹ, tìm đến dòng Edwardian lả lướt từ Savile Row. “Họ không muốn mặc thứ gì nhắc họ về thời chiến nữa”, theo sử gia Christopher Breward trong The Suit: Form, Function and Style.

Hinh anh Đọc thêm: 14
Trở về từ chiến tuyến Thái Bình Dương, lính Mỹ mang theo những chiếc áo Hawaii đầy sắc màu và cả một tinh thần sống khác

Trở về từ chiến tuyến Thái Bình Dương, lính Mỹ mang theo những chiếc áo Hawaii đầy sắc màu. Thoát khỏi những gam màu quân sự, họ chọn hoa văn nhiệt đới như một cách xua tan ký ức khói lửa. Áo sơ mi hoa, từng là món đồ du lịch khiêm tốn ở Honolulu, nay trở thành biểu tượng của nước Mỹ hậu chiến: sống động, bất quy tắc, và tha thiết với từng phút giây yên bình vừa tìm lại.

Dior và New Look: Giấc mơ nữ tính hồi sinh

Khi tiếng súng im bặt, thời trang tưởng sẽ hân hoan trở lại. Nhưng vải vóc vẫn còn thiếu, đời sống vẫn còn eo hẹp. Rồi một buổi sáng tháng Hai năm 1947, tại số 30 đại lộ Montaigne, Paris, trên những bậc cầu thang trải thảm, các người mẫu lần lượt bước ra trong những bộ cánh mang dáng hình hoa nở – thướt tha, trang nhã và đầy thách thức. Báo chí gọi đó là New Look. Dior gọi đó là giấc mơ tái sinh.

Hinh anh Đọc thêm: 15
Christian Dior (French, 1905-1957). Bar, Spring/Summer 1947. Silk. New York: The Metropolitan Museum of Art
Hinh anh Đọc thêm: 16
Christian Dior (French, 1905-1957). Bar, Spring/Summer 1947. Silk. New York: The Metropolitan Museum of Art

Bộ Bar suit, với áo khoác trắng chiết eo và váy đen dài đến bắp chân, nhanh chóng trở thành biểu tượng của thời đại – một bản tuyên ngôn bằng vải vóc, kêu gọi sự trở lại của mỹ học thanh lịch và sự thịnh vượng hậu chiến. Từng đường may, từng lớp lót đều được xử lý như một công trình kiến trúc. Trong hậu trường là ông hoàng ngành dệt Marcel Boussac – người đã cung cấp tài chính và quyền tiếp cận với lượng vải xa xỉ cho Dior mà hầu hết các nhà thiết kế khác lúc đó chỉ dám mơ đến.

Hinh anh Đọc thêm: 17
Christian Dior (French, 1905-1957). Bergdorf Goodman sketches
Hinh anh Đọc thêm: 18
Christian Dior (French, 1905-1957). Bergdorf Goodman
Hinh anh Đọc thêm: 1
New Look trên nhiều thiết kế khác của Dior

Monsieur Dior không chỉ định hình lại vóc dáng phụ nữ, ông còn tái định vị vai trò của thời trang cao cấp trong một thế giới đang manh nha tái tạo lại mọi chuẩn mực. Theo sử gia Valerie Steele (FIT), “New Look là sự trở lại của trật tự xã hội truyền thống – một hình thức làm dịu cơn hỗn loạn bằng vòng eo con kiến”. Nhà báo thời trang Mỹ Carmel Snow chính là người đặt tên cho xu hướng này. Bà thốt lên khi nhìn thấy buổi diễn: “It’s such a new look!”.

Hinh anh Đọc thêm: 2
Dior New Look

Vẻ đẹp ấy lộng lẫy đến mức khó tin, thậm chí bị xem là phản cảm. Coco Chanel chỉ trích Dior vì kéo phụ nữ “trở lại thời kỳ nô lệ váy dài vướng víu”. Nhưng điều đó không ngăn nổi làn sóng thèm khát xa hoa lan khắp địa cầu. Với những ai từng mặc quân phục suốt nhiều năm, “New Look” không phải sự lùi bước, mà là một tuyên bố: phụ nữ có quyền được mềm mại, được lộng lẫy, và được mơ mộng trở lại.

Hinh anh Đọc thêm: 3
Coco Chanel chỉ trích Dior vì kéo phụ nữ “trở lại thời kỳ nô lệ váy dài vướng víu”

Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng quay về. Simone de Beauvoir từng chỉ trích sự quay trở lại của váy xòe, xem đó là biểu hiện của việc ép phụ nữ trở về nhà sau chiến tranh. Trong khi nhiều người đàn ông được vinh danh là anh hùng, phụ nữ bị nhắc nhở rằng “nhiệm vụ vĩ đại nhất của họ là làm đẹp lại thế giới”. Và “làm đẹp” ở đây đồng nghĩa với việc mặc lại corset.

Với giới tinh hoa, New Look là xa xỉ phẩm. Với tầng lớp lao động, nó là bản sao tầm trung trong các cửa hàng phổ thông. Nhưng với Paris, phong cách ấy là một màn “phục hưng mềm” – tái khẳng định thủ đô của haute couture không thể thay thế. Như Dior từng viết: “Thời trang là thứ duy nhất khiến Paris bất khả xâm phạm”.

Đọc thêm: Coco Chanel và những dấu ấn làm “xoay chuyển” địa hạt thời trang nữ giới

Thập niên 1940 thường được nhớ đến với tiếng bom, những hàng dài người lính và tem phiếu dán vội lên ký ức. Nhưng bên dưới lớp bụi của thời chiến, vẫn còn một dòng chảy ngầm lặng lẽ mà kiên cường mang tên thời trang. Không đơn thuần là quần áo để mặc, nó trở thành một dạng bản năng sống còn, một thứ ngôn ngữ không lời giúp con người giữ lại điều cuối cùng của phẩm giá: vẻ đẹp.

Hinh anh Đọc thêm: 4

Và có lẽ vì vậy, thời trang của những năm 1940 không bao giờ chỉ là sản phẩm của thời đại. Nó là ký ức sống động, là thước phim quay chậm – nơi kỷ luật, sáng tạo, nỗi đau và hy vọng đan cài nhau trong từng đường kim mũi chỉ. Không hào nhoáng như những thập niên sau đó, nhưng chính sự tiết chế và cứng cỏi ấy mới khiến thập niên 40 trở thành một chương khắc nghiệt mà vĩnh cửu trong lịch sử thời trang.

TÀI TRỢ

Bài viết liên quan

TÀI TRỢ