Tìm kiếm

Newsletter image

Subscribe to the Newsletter

Join 10k+ people to get notified about new posts, news and tips.

Do not worry we don't spam!

TÀI TRỢ
TÀI TRỢ

Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I

Khi đàn ông ra chiến trường, phụ nữ bước vào nhà máy, bệnh viện và cả đời sống công cộng. Họ mang theo hình ảnh mới, thực tế hơn, can trường hơn. Thế chiến I không chỉ đảo lộn thế giới, mà còn mở ra chương mới trong cách phụ nữ sống, mặc và hiện diện với chính mình.

Những năm trước Thế Chiến I, thời trang phương Tây ngự trị trong ánh sáng của kỷ nguyên Edwardian - thời kỳ ngắn ngủi nhưng rực rỡ như bữa tiệc tối trước cơn giông. Đó là thời của các lâu đài với cầu thang đôi uốn lượn, những bữa trà chiều thêu hoa ren trắng, của váy dạ hội bằng nhung lụa chạm đất, corset siết chặt vòng eo tới nghẹt thở và chiếc mũ rộng vành như cả một vũ trụ hoa lá cài lên tóc. Người phụ nữ được tô điểm như món trang sức sống động, nhưng cũng bị giam lỏng trong hình hài búp bê - diễm lệ nhưng bất động. Như một dôme de verre, họ là “đóa ngọc trong lồng kính”, đẹp nhưng không tự do.

Khi chiến tranh nổ ra, đàn ông ra chiến trường, phụ nữ tiến vào những không gian từng xem là cấm địa của phụ nữ và thời trang như nhà máy, trạm xá, hầm mỏ. Vẻ đẹp lộng lẫy Edwardian không còn phù hợp với cuộc sống được đo bằng phiếu gạo và dây thép gai. Váy phồng và áo siết bị thay thế bằng quần yếm, áo len, giày bốt; thứ thời trang bây giờ cần là sự cơ động, bền bỉ, không phải sự phô diễn. Khẩu hiệu “Make do and mend” vang lên trong từng căn bếp: hãy sửa lại, tận dụng lại, sống tiết kiệm hơn. Chính từ sự giản lược bắt buộc ấy, những biểu tượng thời trang mới đã xuất hiện và trở thành trách nhiệm quốc gia.

Đọc thêm: Hơn 100 năm avant-garde thách thức thời trang và thâm nhập vào đại chúng

Chiếc corset đầu hàng lịch sử

Nếu có biểu tượng nào đại diện cho cái đẹp kỷ luật trước Thế chiến, thì đó là corset. Nhưng chiến tranh đã giáng một đòn chí mạng lên món đồ này. Năm 1917, U.S. War Industries Board đã công bố lời kêu gọi gây chấn động: phụ nữ Mỹ hãy ngưng mua corset để tiết kiệm khoảng 28.000 tấn thép - đủ để đóng hai thiết giáp hạm nhằm phục vụ chiến tranh. Nhưng quan trọng hơn cả, corset không chỉ mất kim loại, nó mất đi vai trò "làm đẹp" mà xã hội từng tôn vinh.

Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 1
Chiếc corset nguyên bản thời kỳ Edwardian
Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 2
Chiếc corset nguyên bản thời kỳ Edwardian
Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 3
Phụ nữ Châu Âu tự tháo bỏ corset vì chúng không cho phép họ len qua bức tường nhà máy

Trên khắp Châu Âu, trước đây từng là thủ phủ của corset, phụ nữ ở đây tự tháo bỏ chúng vì… corset không cho phép họ len qua bức tường nhà máy, cúi xuống sửa máy móc hay giơ tay khâu vải trong văn phòng thiếu sáng. Sự vận động vật lý buộc thay đổi trang phục và corset trở thành thứ cản trở thay vì biểu tượng của quý phái. Vì vậy, corset bị loại khỏi cuộc sống của hàng ngàn phụ nữ lao động. Đây là sự sụp đổ của một kỷ nguyên văn hóa, nơi “thắt eo nhỏ” từng được xem như dấu hiệu của trật tự giới và thẩm mỹ kiểm soát. Phụ nữ loại corset khỏi chuẩn mực ăn mặc để tiến đến hình ảnh mới: có năng lực, bình đẳng và được quyền đóng góp trong đời sống xã hội.

Chiếc quần của Land Girls

Trên những cánh đồng hoang hóa ở miền Kent hay giữa các kho xưởng đổ nát thuộc sở hữu nhà nước, bóng dáng của các Land Girls - những nữ tình nguyện viên nông nghiệp hiện lên: tay cầm xẻng, chân đi ủng, tóc búi gọn, khoác lên mình những chiếc quần vải thô: thứ trang phục vốn bị cấm đoán trong không gian đô thị, nơi phụ nữ mặc quần từng bị coi là vi phạm thuần phong mỹ tục.

Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 4
Những chiếc quần vải thô theo các Land Girls đi sản xuất ở hậu phương
Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 5
Những chiếc quần vải thô theo các Land Girls đi sản xuất ở hậu phương
Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 6
Những chiếc quần vải thô theo các Land Girls đi sản xuất ở hậu phương

Nhưng trong thời chiến, chuẩn mực không còn giá trị trước yêu cầu sống còn. Quần dài, thứ từng là biểu tượng độc quyền của đàn ông, giờ trở thành lớp giáp mềm mại cho lực lượng lao động nữ. Như Julie Summers viết trong Fashion on the Ration, “chiếc quần không chỉ giải phóng thân thể, nó đặt lại vị trí chính trị của phụ nữ”.Bởi mặc quần là hành động vượt khỏi khuôn phép, là bước chân vào không gian công cộng, không gian của công việc, trách nhiệm và quyền lực. Từ ruộng đồng đến nhà máy, chiếc quần trở thành bằng chứng hùng hồn của một cuộc chuyển quyền: từ phục tùng sang tham gia; từ ‘nội trợ’ sang ‘lao động chính’.

Quân phục đi vào đời sống

Chiến tranh buộc phụ nữ bước ra khỏi gian bếp để tham gia vào lực lượng lao động và quân đội. Sự thay đổi vai trò xã hội này kéo theo bước ngoặt trong ăn mặc. Quân phục trở thành ngôn ngữ thẩm mỹ mới cho nữ giới thời chiến. Áo khoác double-breasted, ve áo cao, khuy đồng, vai độn, thắt lưng bản to… là những chi tiết quân trang được các nhà thiết kế tái cấu trúc để phù hợp với cơ thể nữ giới mà vẫn giữ lại tinh thần cứng cáp. Thời điểm đó, hơn 80.000 phụ nữ Anh khoác lên mình đồng phục của các tổ chức như WAAC, VAD hay WRNS. Bộ đồng phục xanh navy của WRNS, hay áo khoác trench coat của nữ tài xế quân đội, chính là những biểu tượng thị giác làm thay đổi cách xã hội nhìn vào phụ nữ: không còn là phái yếu đứng sau, mà là người đồng hành trên tiền tuyến.

Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 7
Những tổ chức như WAAC khuyến khích phụ nữ tham gia tiền tuyến


Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 8
Những bộ đồng phục mang phong cách quân đội ở những trại tập trung
Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 9
Những bộ đồng phục mang phong cách quân đội ở những trại tập trung
Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 10
Chiến tranh buộc phụ nữ bước ra khỏi gian bếp để tham gia vào lực lượng lao động và quân đội
Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 11
Chiến tranh buộc phụ nữ bước ra khỏi gian bếp để tham gia vào lực lượng lao động và quân đội

Sự hiện diện ấy còn lan ra đời sống thường nhật qua chi tiết: quốc kỳ đỏ, trắng, xanh được thêu lên cổ áo, viền khăn, hay biến thành dải ruy băng trên tóc. Trên Harper’s Bazaar số tháng 6/1917, hướng dẫn phối đồ với màu cờ được mô tả như “phụ kiện tinh thần” - nơi mỗi nếp gấp váy đều có thể kể chuyện lòng yêu nước.

Trenchcoat

Chất liệu làm nên huyền thoại thường ra đời từ nhu cầu sống còn. Năm 1879, Thomas Burberry phát minh ra vải gabardine - loại vải dệt chéo bền chắc, chống thấm nước nhưng vẫn thoáng khí, lý tưởng cho môi trường chiến tranh khắc nghiệt. Đến năm 1914, khi quân đội Anh cần những chiếc áo khoác nhẹ hơn để thay thế chiếc greatcoat nặng nề, Thomas Burberry đã dùng chất liệu gabardine để thiết kế mẫu trenchcoat hai hàng khuy phục vụ chức năng quân sự: giữ ấm, cản mưa, đựng thiết bị và cử động linh hoạt. Chính nhờ gabardine mà trenchcoat đủ nhẹ để mặc hàng ngày nhưng vẫn có khả năng chống chịu thời tiết chiến trường.

Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 12
Chiếc trenchcoat đầu tiên do Thomas Burberry thiết kế từ vải gabardine
Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 13
Chiếc trenchcoat đầu tiên do Thomas Burberry thiết kế từ vải gabardine
Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 14
Minh tinh Audrey Hepburn trong chiếc trenchcoat của Burberry
Hinh anh Thời trang thời chiến: 7 món đồ biểu tượng từ Thế Chiến I 15

Sau chiến tranh, hàng ngàn chiếc trenchcoat được các cựu binh mang trở về đời sống dân sự. Nhưng chính phụ nữ mới là người giữ nó sống mãi. Họ nhìn thấy ở chiếc áo ấy không chỉ công năng, mà là dáng vẻ mới mẻ cho tự do. Marlene Dietrich, Greta Garbo, rồi đến Audrey Hepburn - tất cả đều khoác lên mình trench coat như cách nói: tôi độc lập, tôi thực tế, tôi không cần áo corset để tạo hình ảnh.


Chiếc váy jersey của Coco Chanel

Giữa những năm tháng khói lửa, khi Paris mất đi thứ ánh sáng vàng son của dạ tiệc, Coco Chanel lặng lẽ nhìn vào sự sụp đổ ấy và bắt đầu xây lại thế giới bằng một tấm vải jersey - loại vải co giãn, mềm rũ, thường được dùng để may đồ lót nam hay đồng phục thể thao. Bà không phát minh ra jersey, nhưng chính bà là người đầu tiên định nghĩa lại giá trị của nó trong thời trang cao cấp.

Hinh anh Đọc thêm: 1
Chính Coco Chanel là người đầu tiên định nghĩa lại giá trị của vải jersey trong thời trang cao cấp
Hinh anh Đọc thêm: 2
Vải jersey xuất hiện trên thiết kế "The Little Black Dress" kinh điển
Hinh anh Đọc thêm: 3
Vải jersey trên những bộ suit Chanel giải phóng cơ thể phụ nữ

Váy jersey của Chanel buông nhẹ trên cơ thể, chuyển động theo từng bước đi, mang cấu trúc hoàn toàn xa lạ với hình dung thời đó về sự nữ tính: không đệm vai, không siết eo, không có những khung xương nặng nề ẩn bên dưới. Trong một xã hội còn đầy rào cản, Chanel biến sự thực dụng thành ngôn ngữ thẩm mỹ và jersey trở thành biểu tượng cho một dạng nữ tính mới: năng động, tối giản, nhưng chứa đựng nội lực. Váy jersey trả lại cơ thể cho người phụ nữ, ngay cả khi không giải phóng họ khỏi bom đạn, nhưng đã kịp gỡ trói khỏi những rào gai của định kiến.

Son đỏ

Vào một buổi chiều tháng Ba năm 1912, khi đoàn nữ quyền diễu hành ngang qua salon làm đẹp của Elizabeth Arden trên Đại lộ số 5, bà đã bước ra với một hộp son đỏ trên tay phát miễn phí cho từng người phụ nữ. Thỏi son ấy nhanh chóng được các thủ lĩnh phong trào yêu thích, từ Elizabeth Cady Stanton đến Charlotte Perkins Gilman và màu đỏ - thứ từng bị xem là “không đứng đắn” trở thành biểu tượng thị giác của sự giải phóng.

Hinh anh Đọc thêm: 4
Nguyên mẫu cây son đỏ của Elizabeth Arden
Hinh anh Đọc thêm: 5
Sắc đỏ được phụ nữ ưu ái gọi tên là Victory Red - Màu đỏ Vinh quang
Hinh anh Đọc thêm: 6
Mặc dù tham chiến nơi tiền tuyến, nhưng phụ nữ chưa bao giờ quên chăm sóc sắc đẹp

Son đỏ đảo chiều diễn ngôn về sự ngoan ngoãn. Trong khi văn hóa đương thời áp đặt hình ảnh người vợ hiền, mẹ đảm, nhạt nhòa và khép nép, thì son đỏ là lựa chọn thẩm mỹ mang tính đối đầu. Khi những người phụ nữ tô môi đỏ, họ không chỉ phản kháng chuẩn mực cũ mà còn chủ động tạo ra một diện mạo chính trị cho bản thân. Trên tấm poster cổ động của phong trào nữ quyền thập niên 1910, hình ảnh người phụ nữ mặc váy sơ mi, tay cầm biểu ngữ, môi đỏ rực. Đến thập niên 1920, đôi môi đỏ trở thành tuyên ngôn thời trang. Với những flapper cắt tóc ngắn, nhảy Charleston trong quán jazz và mặc váy đến đầu gối, son đỏ là tín hiệu của sự nổi loạn. Mary Pickford, Clara Bow và sau này là Marilyn Monroe, Elizabeth Taylor - tất cả đều mặc váy lụa, đi giày cao gót, và thoa son đỏ như thể cả thế giới là sân khấu.

Đọc thêm: 5 điều bí mật ẩn giấu đằng sắc son môi đỏ vũ khí gợi cảm của nữ giới

Nữ trang - Ký ức được đeo trên tay

Khi vàng và kim cương bị trưng dụng cho mục đích quân sự, phụ nữ không từ bỏ trang sức và biến nó thành thứ khác. Sweetheart jewellery - những món trang sức được chế tác từ mảnh vỏ đạn đồng, chốt pháo, hay cúc áo từ áo khoác quân phục. Những chiếc nhẫn khắc tên, dây chuyền hình trái tim, lắc tay khắc số đơn vị đầy thô ráp, lạnh, được đeo lên cổ tay hay áp lên ngực mang sức nặng từ tiếng vọng tiền tuyến lẫn lời hứa hồi hương của người yêu thương.

Hinh anh Đọc thêm: 7
Sweetheart jewellery - những món trang sức được chế tác từ mảnh vỏ đạn đồng, chốt pháo, hay cúc áo từ áo khoác quân phục

Ở Paris, các thợ kim hoàn, vốn thất nghiệp vì chiến tranh, bắt đầu chế tác trâm cài từ thép vụn và dây thép gai cũ. Có người gắn cả đầu đạn rỗng vào chuỗi hạt như lời cầu nguyện hóa thân: biến thương tổn thành vẻ đẹp. Theo tài liệu từ Bảo tàng Chiến tranh Canada, nhiều phụ nữ giữ những món đồ ấy như vật gia bảo, không phải vì giá trị vật chất, mà bởi chúng “giữ lại hơi ấm từ những bàn tay đã khuất” (Canadian War Museum Archives).

Hinh anh Đọc thêm: 8
Sweetheart jewellery - những món trang sức được chế tác từ mảnh vỏ đạn đồng, chốt pháo, hay cúc áo từ áo khoác quân phục

Ngay cả Marcel Proust, trong lúc ghi lại những mảnh hồi ức vụn vỡ của thời gian và mất mát, cũng đã viết: “Hạnh phúc thường trốn sau những chi tiết rất nhỏ - một cái ghim cài tóc, một dải ruy băng cũ, một chiếc nhẫn không còn vừa ngón...” Ký ức, khi đã hiện hữu thành hình, có thể đeo lên tóc, giữ nơi cổ tay như thể ta mang theo thời gian bên mình, để nhớ rằng thời gian từng ở đó và ta từng ở trong nó.

Đọc thêm: Thời trang thời chiến: Những năm 1940 giữa gió thép và giấc mơ phục hưng

Thế chiến thứ nhất không làm thời trang đẹp hơn. Nó chỉ khiến thời trang trở nên thành thật. Người phụ nữ không còn hiện diện như chiếc bóng bên cạnh những người lính, mà bước ra như chủ thể mang thân thể, lý trí và cảm xúc của chính mình. Trên nền gạch vụn của châu Âu, trong những nhà xưởng thay cho phòng khách, trong các toa tàu và tiền tuyến bệnh viện, họ sống, làm việc và tự chọn lấy dáng hình của chính mình kể cả khi đó là chiếc váy may vội bằng vải cũ, đôi bốt dính bùn hay lớp son mỏng quệt lên môi giữa tiếng còi báo động.

Thời trang không đứng về phe nào trong cuộc chiến. Nó chỉ lưu giữ những vết hằn. Và giữa những mất mát, chính thời trang trở thành nơi trú ngụ cuối cùng của cái đẹp - cái đẹp để bảo toàn phẩm giá con người.

Tham khảo: The Guardian, The New York Times, The History Press, Staatliche Museen zu Berlin (Bảo tàng Quốc gia Berlin)

TÀI TRỢ

Bài viết liên quan

TÀI TRỢ