Giữa không gian Grand Palais tái hiện salon huyền thoại 31 rue Cambon, CHANEL mở ra mùa couture thấm đẫm tinh thần hoài niệm và khát vọng đổi thay.
Hiếm có điều gì bền vững như những phép màu trong show CHANEL couture dưới mái vòm kính Grand Palais. Kể từ khi Karl Lagerfeld chọn nơi đây làm sàn diễn vào năm 2005, nhà mốt đã không ngừng biến hóa không gian biểu tượng này thành những sân khấu ngoạn mục: từ khoang máy bay, sòng bạc Monte-Carlo cho đến đường băng khổng lồ mang hình logo hai chữ C.
Nhưng năm nay, nhân dịp kỷ niệm 110 năm haute couture, CHANEL quyết định đưa khách mời về với di sản. Thay vì sân khấu lớn Grand Nave, thiệp mời dẫn các vị khách quý đến Salon d’Honneur – không gian gợi nhắc những salon couture huyền thoại tại Rue Cambon, nơi Gabrielle Chanel từng giới thiệu các bộ sưu tập đầu tiên trước một nhóm khách hữu hảo trong không gian đậm tính riêng tư.
Đây cũng là thời điểm bản lề của CHANEL khi Matthieu Blazy – Giám đốc Sáng tạo mới sẽ chính thức ra mắt vào mùa kế tiếp. Show diễn lần này được thực hiện bởi đội ngũ thiết kế nội bộ, những người đã âm thầm giữ nhịp thở CHANEL suốt hơn một thập kỷ. Trong khoảnh khắc trước chuyển giao, họ không đưa ra tuyên ngôn lớn, mà chỉ lặng lẽ củng cố những điều quan trọng nhất: di sản và tinh thần.
Đọc thêm: CHANEL và Matthieu Blazy “yêu nhau” phải chăng chỉ là tình cờ?
Không gian salon "giả lập" số 31 Rue Cambon
Tấm thiệp mời đến show haute couture mùa này của CHANEL mang theo món quà kỷ niệm đặc biệt: cuốn sách nghệ thuật khổ lớn “CHANEL Haute Couture” bìa vàng lộng lẫy, do Sofia Coppola biên tập, như lời tri ân dành cho chặng đường 110 năm cho linh hồn của nhà mốt: bộ phận may đo cao cấp.
CHANEL đã biến tầng lầu Grand Palais thành bản sao hoàn hảo của salon couture lịch sử tại Rue Cambon. Không gian lần này do nhà sáng tạo người Pháp gốc Canada Willo Perron thiết kế, dựa theo các tư liệu lịch sử và đặc biệt là hình ảnh sàn diễn xuân 1962 từ cuốn sách CHANEL Haute Couture. Từng chi tiết được tái hiện chính xác: từ đường chỉ mạ vàng baroque, các bức rèm beige chạm trần, cho đến những chiếc sofa ton-sur-ton rải gối chần bông. Dù không có người mẫu cầm bảng số như thuở xưa, mọi yếu tố thị giác đều gợi nên khung cảnh nguyên bản đến mức các khách mời gần như có thể hình dung đang ngồi cạnh Anouk Aimée hay Marie-Hélène de Rothschild.

Phòng salon "giả lập" gợi nhớ đến những buổi thử đồ riêng tư nơi "đại bản doanh" của Gabrielle Chanel. Không gian chỉ dành cho một số ít khách mời được chọn lọc kỹ lưỡng – những người có mối quan hệ mật thiết với nhà mốt hoặc là khách hàng couture lâu năm. Chính sự giới hạn – cả về quy mô khán giả lẫn trải nghiệm cá nhân hóa đã khắc họa rõ nét cảm giác nghi lễ, sự riêng tư và đặc quyền, vốn là bản sắc cốt lõi của haute couture.
Câu chuyện từ ký ức của Coco
Nguồn cảm hứng mùa couture lần này bắt đầu từ cách tiểu sử gia Louise de Vilmorin từng gọi Gabrielle Chanel là “cô thôn nữ” – biệt danh xuất phát từ mối duyên với miền Bắc Scotland và ngày tháng bà lưu lại điền trang của Công tước xứ Westminster. Chính nơi ấy đã nuôi dưỡng tình yêu của bà dành cho thiên nhiên, cho chất liệu tweed và cả những biểu tượng bình dị như cây lúa mì.


Bông lúa mì – loài cây trong văn hoá Scotland tượng trưng cho điềm may mắn và sự đủ đầy gắn bó mật thiết với cuộc đời Gabrielle Chanel khi ngày sinh của bà là ngày 19 tháng 8 – trùng với lễ hội mùa gặt ở Pháp. Biểu tượng này hiện diện khắp nơi: trong các bức tranh, món đồ nội thất tại căn hộ Paris riêng tư, lẫn trong phòng suite tại khách sạn Ritz. Và tất nhiên, bông lúa cũng từng hiện hữu trong các bộ sưu tập của bà.
Đọc thêm: “Inside Chanel”: Gabrielle Chanel giữa lòng điện ảnh
Lời tạm biệt và dấu ấn của sự chuyển giao
Mặc dù phải tới tháng Chín tới tân GĐST Matthieu Blazy mới chính thức ra mắt, nhưng làn gió đổi thay đã bắt đầu thổi qua từng đường kim, mũi chỉ.
Dưới bàn tay của đội ngũ thiết kế, CHANEL đã thổi luồng sinh khí vào tủ đồ mùa đông kinh điển với bảng màu ấm áp: ecru, trắng ngà, nâu sẫm, xanh rêu, đen và sắc mận chín. Tất cả những áng màu được tô vẽ trên phom dáng mở rộng, cấu trúc trang phục linh hoạt và kết phối bất quy tắc. Từ áo khoác oversized đến những đôi bốt cao quá gối - mang lại cảm giác tự do và phóng khoáng.
Đã lâu rồi giới mộ điệu mới được thấy CHANEL "chơi đùa" với chất liệu như thế: từ phần vai phủ lông vũ trên chiếc áo choàng tweed màu ngà sần sùi, đến đường viền tua rua xơ xác trên các thiết kế áo chui đầu, hay chiếc áo khoác đen sẫm với cấu trúc hình cánh chim kết hợp giữa tweed, chiffon và lông vũ đen được khoác hờ trên chiếc đầm dạ hội màu ngà trơn mịn. Vải tweed kinh điển được làm mới bằng kỹ thuật dệt kim, mang lại cảm giác mềm mại và êm ái như lớp lông cừu non trong thiết kế coatdress trắng viền thêu tinh xảo. Hoặc tweed được xử lý với độ xù nhẹ, mang lại cảm giác gần gũi như những món đồ len mùa đông, nhưng vẫn giữ vững vẻ thanh lịch đặc trưng trên những thiết kế suit.
Hiệu ứng trompe-l’oeil được khai thác để làm mờ ranh giới giữa thực và mộng: từ những hạt sequins lấp lánh như giọt mưa, cổ áo bồng trắng gợi liên tưởng đến tuyết đầu mùa, đến lớp lông vũ may rối len lỏi mượt mà. Thiết kế áo cardigan đính tua rua dày đặc cùng chân váy họa tiết mắt cáo, chút “quá đà” ấy vô tình gợi lên hình ảnh của nữ du mục CHANEL giữa thiên nhiên - một lát cắt tưởng nhớ đến “cô thôn nữ” Gabrielle Chanel.
Biếu tượng bông lúa mì cũng được nhắc lại xuyên suốt. Chúng hóa thân thành dải lông mềm mại nơi tà váy voan đen trắng hai dây, xuất hiện dọc cổ váy cưới, hay cách điệu thành họa tiết xương cá trên bộ pantsuit. Những chiếc cúc đính đá bông lúa mì. Hoa đa sắc được thêu bung nở trên áo khoác peacoat và đầm yếm satin crêpe, góp phần hoàn thiện khúc ca đồng quê đầy cảm xúc.
Ở nửa sau của bộ sưu tập, khi ánh sáng dần rõ ràng để dẫn dắt show diễn đến hồi rực rỡ nhất. Những chiếc áo blouse chiffon trắng nhẹ bẫng, chân váy tulle rách tầng tầng lớp lớp, cùng lớp lót bằng ren guipure trắng. Những thiết kế váy xòe bằng vải lamé cam lấp lánh như vệt nắng cuối ngày..

Show diễn khép lại bằng một nghi lễ quen thuộc, cô dâu CHANEL xuất hiện trong chiếc váy trắng tinh khôi, cổ áo mang những đường lúa vàng thuê tay, cầm bó lúa mì – thể hiện ước vọng cho sự thịnh vượng trong khởi đầu hứa hẹn của CHANEL vào tháng 9.