Tìm kiếm

Newsletter image

Subscribe to the Newsletter

Join 10k+ people to get notified about new posts, news and tips.

Do not worry we don't spam!

TÀI TRỢ
TÀI TRỢ

Việt Nam trước làn sóng thuế mới từ Mỹ: Cơ hội và rủi ro cho thời trang nội địa

Thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Việt Nam vào tháng 7/2025 đã kéo theo làn sóng kiểm soát nghiêm ngặt với hàng dệt may - đặt toàn ngành thời trang Việt vào thế phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu. Nhưng chính trong cơn chấn động ấy, cơ hội xuất hiện.

Đầu tháng 7/2025, chính quyền Tổng thống Donald Trump ký kết một thỏa thuận thương mại song phương mới với Việt Nam, đồng thời ban hành loạt biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng "transshipment" - hàng Trung Quốc đội lốt "Made in Vietnam" để né thuế. Theo đó, Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 20% cho toàn bộ hàng dệt may sản xuất tại Việt Nam, và lên đến 40% nếu bị nghi ngờ có yếu tố tái xuất trá hình từ Trung Quốc.

Đáp lại, Việt Nam cam kết siết chặt kiểm soát xuất xứ và minh bạch chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, xuất xứ vải đến quy trình gia công. Điều này đặt ra không ít áp lực với các thương hiệu thời trang nội địa, đặc biệt là nhóm sản xuất nhỏ, phụ thuộc vào chuỗi cung ứng khu vực. Tuy nhiên, giữa thách thức lại mở ra cơ hội: nếu biết tận dụng làn sóng siết chặt này để khẳng định nguồn gốc, giá trị thật và bản sắc riêng, các thương hiệu Việt có thể dần thoát khỏi hình ảnh "gia công xuất khẩu" và tiến tới xây dựng chỗ đứng độc lập trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đọc thêm: “Made in Vietnam” - Một hành trình đáng tự hào, nhưng chưa đủ

Nhóm local designer brands

Rủi ro kép từ mức thuế nhập khẩu 20% và 40%

Việc tất cả mặt hàng dệt may sản xuất tại Việt Nam phải chịu mức thuế nhập khẩu 20% theo thỏa thuận thương mại Mỹ - Việt Nam tháng 7/2025 đã tạo ra rào cản tài chính đáng kể đối với các local designer brand. Đặc biệt, nhóm thương hiệu này thường tập trung vào sản phẩm thủ công, sử dụng chất liệu cao cấp và quy trình tinh xảo, khiến chi phí đầu vào vốn đã cao.

Khi mức thuế mới buộc họ phải tăng giá bán để bảo toàn lợi nhuận, sản phẩm trở nên khó tiếp cận hơn với khách hàng Mỹ, đặc biệt nếu thương hiệu chưa có độ nhận diện lớn tại thị trường này. Việc mất đi lợi thế cạnh tranh về giá không chỉ ảnh hưởng đến doanh số mà còn cản trở khả năng mở rộng thị trường của các thương hiệu thiết kế Việt tại Mỹ. Hiện tại có một số thương hiệu nội địa đã và đang "Mỹ tiến" như Fancì Club, SUBTLE LE NGUYEN, LSoul... và có lẽ thời gian này họ đang phải cân nhắc lại chiến lược để bảo toàn lợi nhuận biên, nếu không muốn tạm hoãn kế hoạch mở rộng.

Hinh anh Gia tăng rủi ro logistics - pháp lý và sự phức tạp của chuỗi cung ứng "hậu thuế quan" 1
Ảnh nền: Photograph Luong Thai LinhEPA; Model: Fancì Club

Gia tăng rủi ro logistics - pháp lý và sự phức tạp của chuỗi cung ứng "hậu thuế quan"

Trong bối cảnh chưa có hệ thống phân phối vững chắc tại Mỹ, các thương hiệu phân khúc premium chủ yếu dựa vào nền tảng bán hàng online hoặc các boutique độc lập. Với mức thuế cao, các nhà bán lẻ trung gian trở nên dè dặt, thậm chí yêu cầu chiết khấu sâu hơn, làm xói mòn cấu trúc giá và hình ảnh thương hiệu vốn đang trong quá trình xây dựng. Một số thương hiệu có tiềm lực buộc phải cơ cấu lại chuỗi cung ứng - từ việc chứng minh xuất xứ nguyên liệu, đảm bảo quy trình logistics đến hoàn thiện hồ sơ pháp lý để thích nghi với tình hình mới.

Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển đổi này, họ phải chấp nhận mức lợi nhuận biên thấp hơn và rủi ro phát sinh thêm chi phí để duy trì hoạt động xuất khẩu ổn định. Giải pháp cho nhóm thương hiệu này có thể bao gồm việc tăng tỷ trọng doanh thu từ thị trường nội địa và các khu vực có ký FTA như Châu Á hoặc Trung Đông - nơi không chịu các mức thuế cao tương tự Mỹ. Ngoài ra, việc hợp tác với các nhà phân phối tại Mỹ để chia sẻ chi phí logistics, phát triển capsule collection bản địa hóa hoặc hợp tác dạng private label cũng là phương án đáng cân nhắc nhằm duy trì hiện diện tại thị trường Mỹ mà không phải tự mình gánh vác toàn bộ rủi ro tài chính.

Đọc thêm: Vietnam Fashion Insights: Vì sao cửa hàng vật lý vẫn là “át chủ bài” của thương hiệu thời trang?

Hinh anh Gia tăng rủi ro logistics - pháp lý và sự phức tạp của chuỗi cung ứng "hậu thuế quan" 2
Hinh anh Gia tăng rủi ro logistics - pháp lý và sự phức tạp của chuỗi cung ứng "hậu thuế quan" 3

Việc áp thuế 40% với hàng may mặc từ Việt Nam nếu bị nghi ngờ có yếu tố "tái xuất Trung Quốc trá hình" đã khiến chi phí logistics và tuân thủ tăng vọt, đặc biệt với những thương hiệu còn non trẻ. Nhiều local brand phân khúc premium chưa đủ nguồn lực để xây dựng đội ngũ pháp lý - xuất khẩu chuyên trách, do đó dễ rơi vào thế bị động khi phải đối mặt với các quy định kiểm tra hồ sơ và quy trình khắt khe từ phía hải quan Mỹ. Ngoài chi phí, đây còn là vấn đề về độ trễ trong thông quan và nguy cơ bị trả hàng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế và ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu.

Rủi ro càng gia tăng khi nhiều local brand đang sử dụng nguyên liệu nhập khẩu (vải, phụ kiện) nhưng chưa chuẩn hóa toàn bộ giấy tờ chứng minh xuất xứ theo chuẩn quốc tế. Trong bối cảnh Mỹ kiểm soát gắt gao chuỗi cung ứng, việc thiếu minh bạch ở bất kỳ khâu nào cũng có thể khiến hàng hóa bị từ chối thông quan hoặc giữ lại để kiểm tra thêm. Điều này gây ra không chỉ tổn thất tài chính mà còn cản trở nghiêm trọng đến chiến lược mở rộng sang thị trường Mỹ - vốn được xem là trọng điểm tăng trưởng của nhiều thương hiệu trẻ.

Đọc thêm: Khi sáng tạo cần học Thuế: Local Brand và cuộc chuyển mình tất yếu

Hinh anh Gia tăng rủi ro logistics - pháp lý và sự phức tạp của chuỗi cung ứng "hậu thuế quan" 4
Hinh anh Gia tăng rủi ro logistics - pháp lý và sự phức tạp của chuỗi cung ứng "hậu thuế quan" 5
Hinh anh Gia tăng rủi ro logistics - pháp lý và sự phức tạp của chuỗi cung ứng "hậu thuế quan" 6


Một trong những rủi ro lớn nhất đến từ việc hình ảnh quốc gia bị liệt vào nhóm cần giám sát đặc biệt. Báo cáo từ Time Magazine (2025) và The Guardian chỉ ra rằng chính quyền Mỹ đã đưa Việt Nam vào diện cần kiểm soát chặt chuỗi cung ứng để ngăn chặn hàng "trá hình" từ Trung Quốc. Do đó, ngay cả các thương hiệu làm bài bản, sử dụng vải Ý, gia công tại Việt Nam và vận hành minh bạch cũng có thể bị yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu đơn hàng có giá trị lớn hoặc đối tác logistics từng nằm trong diện theo dõi. Một thương hiệu tại TP.HCM từng bị giữ lại đơn hàng xuất khẩu vì nghi vấn liên quan đến đối tác logistics không rõ ràng, cho thấy một lỗ hổng nhỏ từ phía một số thương hiệu khác cũng đủ khiến cả ngành bị kéo vào thế bất lợi.

Cơ hội: “Thời điểm vàng” để chứng minh bản sắc thật sự!

Trong bối cảnh Mỹ siết chặt nhập khẩu từ Trung Quốc và đẩy mạnh xu hướng “China+1”, Việt Nam nổi lên như một điểm đến tiềm năng nhờ năng lực sản xuất linh hoạt, chi phí cạnh tranh và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn minh bạch ngày càng cao. Đây là thời điểm các local brand Việt có thể tự định vị lại mình: không còn là đối tác gia công thụ động, mà là lựa chọn thay thế mang bản sắc riêng, sử dụng chất liệu thủ công, tái chế và gắn liền với văn hóa địa phương.

Hinh anh Gia tăng rủi ro logistics - pháp lý và sự phức tạp của chuỗi cung ứng "hậu thuế quan" 7
Ảnh nền: Photo Anadolu_Getty Images; Ảnh model: LSOUL

Lợi thế sản xuất nhỏ, chuỗi cung ứng ngắn và khả năng kiểm soát quy trình giúp nhiều thương hiệu dễ dàng chứng minh nguồn gốc – yếu tố ngày càng được buyer quốc tế ưu tiên. Thay vì tiếp tục theo đuổi mô hình B2C đại trà, một số thương hiệu đang dịch chuyển sang B2B với chiến lược thiết kế capsule collection độc quyền cho các boutique tại Mỹ – nơi họ có thể tiếp cận phân khúc khách hàng niche, đơn hàng nhỏ nhưng giá trị cao, ít phụ thuộc vào TMĐT đại chúng vốn dễ bị cạnh tranh về giá.

Fancì Club là ví dụ điển hình cho hướng đi này. Việc thương hiệu xuất hiện tại các boutique như W Concept hay Lisa Says Gah cho thấy kênh phân phối chọn lọc, gắn với định vị rõ ràng, đang trở thành chiến lược khả thi cho các local brand có năng lực sản xuất ổn định và câu chuyện thương hiệu đặc trưng.

Hinh anh Gia tăng rủi ro logistics - pháp lý và sự phức tạp của chuỗi cung ứng "hậu thuế quan" 8
Hinh anh Gia tăng rủi ro logistics - pháp lý và sự phức tạp của chuỗi cung ứng "hậu thuế quan" 9

Ngay cả các thương hiệu chưa từng xuất khẩu sang Mỹ cũng có thể xem đây là giai đoạn chuẩn bị chiến lược. Việc đầu tư sớm vào năng lực truy xuất nguồn gốc, xây dựng hệ thống minh bạch hóa sản xuất, và củng cố hình ảnh gắn với yếu tố bền vững – bản địa – văn hóa sẽ giúp họ đón đầu nếu Mỹ mở lại các ưu đãi thuế với nhóm quốc gia thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quan trọng hơn cả, yếu tố đạo đức trong sản xuất (ethical production) và tính bản địa đang trở thành tiêu chí đánh giá mới trong mắt buyer và người tiêu dùng quốc tế. Những thương hiệu biết kể câu chuyện thông qua kỹ thuật thủ công, hành trình sản xuất và trải nghiệm cộng đồng không chỉ vượt qua hàng rào thuế quan, mà còn có cơ hội bước vào sân chơi toàn cầu với tư cách là một thương hiệu độc lập, đáng tin cậy và có giá trị riêng.

Nhóm doanh nghiệp bán lẻ thời trang đại chúng - mass market

Biên lợi nhuận bị siết chặt, chuỗi cung ứng giá rẻ đứng trước nguy cơ đứt gãy

Với đặc thù cạnh tranh bằng giá rẻ và tốc độ, các doanh nghiệp thời trang mass market đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng khi mức thuế nhập khẩu 20% thậm chí có thể lên đến 40% nếu bị nghi ngờ “tái xuất trá hình” - làm tăng mạnh chi phí logistics và rủi ro chậm thông quan. Những thương hiệu còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc hoặc vận hành theo mô hình OEM đặc biệt là nhóm kết hợp bán hàng qua Amazon, Shein Marketplace sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt nếu không nhanh chóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng và phân bổ lại chi phí vận hành.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của nhóm mass market nằm ở khả năng thích ứng nhanh. Họ có thể chuyển dịch một phần sản xuất về nội địa, tận dụng thị trường FTA như ASEAN, Trung Đông, hoặc hợp tác với đối tác quốc tế theo mô hình private label để giảm rủi ro đầu tư và tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng truyền thống.

Hinh anh Quan trọng hơn cả, yếu tố đạo đức trong sản xuất (ethical production) và tính bản địa đang trở thành tiêu chí đánh giá mới trong mắt buyer và người tiêu dùng quốc tế. 1

Đây cũng là thời điểm để tái định vị chuỗi cung ứng và mở rộng thị phần nội địa. Nếu chứng minh được năng lực OEM minh bạch, giá thành cạnh tranh và khả năng đáp ứng nhanh, doanh nghiệp Việt có thể thay thế một phần năng lực sản xuất của Trung Quốc trong mắt các tập đoàn quốc tế đang tìm đối tác mới. Đồng thời, việc hàng Trung Quốc tạm thời rút lui khỏi thị trường nội địa tạo ra khoảng trống hấp dẫn đặc biệt cho các thương hiệu nội có định vị tầm trung, sản phẩm dễ tiếp cận và dịch vụ linh hoạt.

Song song đó, thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều dư địa nếu doanh nghiệp biết tận dụng các khu vực có FTA như ASEAN, Nhật Bản, Trung Đông hoặc Ấn Độ – nơi rào cản thuế thấp hơn Mỹ và nhu cầu về sản phẩm phổ thông đang tăng trưởng mạnh.

Thực hiện: Linh J.

Nguồn tham khảo: Time Magazine, The Guardian, Business of Fashion, VCCI, Teen Vogue, Fancì Club, Subtle Studios, LSoul,...

TÀI TRỢ

Bài viết liên quan

TÀI TRỢ